“Tạm trữ” còn xa nông dân

Hiện giá lúa một số nơi ở ĐBSCL tăng nhẹ khoảng 100 - 150 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Đây được xem là tác động chút ít khi các thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ ngày 20-2. Nhưng mức giá thương lái mua của nông dân vẫn ở ngưỡng thấp, chỉ dao động 4.200 - 4.350 đồng/kg lúa. Như vậy, nông dân có lợi gì từ chủ trương thu mua lúa, gạo tạm trữ?

Dạo khắp một vòng vựa lúa, đâu đâu cũng thấy cảnh lúa chất đầy trước cửa nhà, chẳng thấy thương lái nào đến mua. Điều trớ trêu là hầu hết doanh nghiệp chỉ mua lúa hoặc gạo thông qua thương lái, trong khi nông dân cần bán lúa.

Thật khó hiểu là từ tháng 8-2012, Bộ NN-PTNT nhận định: “Nhiều năm nay, khi lúa gạo hàng hóa ĐBSCL tăng cao vào các tháng thu hoạch cao điểm làm cho giá lúa gạo giảm xuống, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nông dân trồng lúa. Chính phủ đã giao cho VFA mua tạm trữ gạo. Tuy nhiên, phương thức mua tạm trữ này đã bộc lộ hạn chế: Không kiểm soát được việc mua bán lúa gạo của doanh nghiệp, doanh nghiệp hầu như không mua lúa gạo trực tiếp từ nông dân trồng lúa mà chủ yếu qua thương lái.

Vì vậy, nông dân không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mua tạm trữ”. Phần đông nông dân sản xuất nhỏ đều bán lúa cho thương lái trước khi có quyết định mua tạm trữ, nếu giá có tăng trong và sau tạm trữ đa số thương lái và doanh nghiệp hưởng lợi. Vậy là bài toán mua lúa, gạo tạm trữ làm sao cho nông dân hưởng lợi trực tiếp vẫn chưa được giải quyết trong vụ đông xuân này.

Theo nhận định của lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng, doanh nghiệp thu mua tạm trữ ít nhiều có tác động đến giá cả thị trường nhưng chuyển biến chưa nhiều, vì thương lái vẫn là trung gian đứng ra thu mua lúa. Nhiều nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL thật sự khó hiểu khi năm ngoái họ đã ngồi họp, đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp như: Nên giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo ngay từ đầu vụ, phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cho các tỉnh trên cơ sở quy mô sản lượng lúa của từng địa phương; thí điểm cho các hộ sản xuất lớn, HTX trữ lúa… Tuy nhiên, các đề xuất này gần như rơi vào quên lãng! Ngay chuyện chọn thời điểm mua tạm trữ cũng tác động rất lớn đến diễn biến giá lúa và lợi ích của nông dân.

“Thời điểm VFA triển khai mua lúa vụ này, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 700.000ha, tức gần 1/2 diện tích lúa. Nói nôm na, họ cần bán lúa trong tháng chạp để ăn tết nhưng thực tế đã làm nhiều nông dân thất vọng” - một nhà khoa học bức xúc. Đến nay, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch 1/1,55 triệu ha lúa đông xuân. Không ít nông dân đã bán lúa cho thương lái với giá thấp trước khi VFA triển khai thu mua tạm trữ.

Đáng buồn hơn, doanh nghiệp thường công bố giá lúa mua tại kho (được quy ra từ gạo mua của thương lái) chứ không phải giá nông dân bán tại ruộng hoặc tại nhà cho thương lái. Nên thực tế, giá mà thành viên VFA công bố hoặc báo cáo với Chính phủ thường thấp hơn giá bán của nông dân 100 - 200 đồng/kg lúa. Bức xúc trước chuyện nông dân cần bán lúa nhưng doanh nghiệp chỉ mua gạo, lãnh đạo một địa phương đề xuất nên giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, chứ không phải là gạo. Vì hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp “đều khoe” đã có kho bãi tươm tất nên dự trữ lúa cũng chẳng tác động gì.

Chủ trương mua lúa, gạo tạm trữ là một phương thức để giữ giá lúa trên thị trường ổn định, đảm bảo lợi nhuận tốt nhất cho nông dân. Nhưng đến nay, cả nông dân và lãnh đạo các địa phương trong vùng vẫn băn khoăn về cách thức thu mua, phương thức tạm trữ vì rõ ràng nông dân chỉ có lợi ích duy nhất là… bán được lúa.

Những đề xuất tâm huyết như: Hộ nông dân tạm trữ tại nhà, tổ hợp tác, HTX; hộ nông dân tạm trữ lúa tại kho doanh nghiệp có cánh đồng mẫu lớn hoặc các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo… là để nông dân hưởng lợi lãi suất trực tiếp từ chính sách này. Chẳng lẽ chúng ta không tìm ra phương cách nào để thực hiện thí điểm nhằm tìm mô hình thích hợp để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân? 

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục