Hôm nay 24-9, Đại hội thể thao biển châu Á lần thứ 5 (ABG5) sẽ khai mạc tại TP Đà Nẵng, ghi nhận thêm một ngày hội đỉnh cao của thể thao châu Á được Việt Nam đăng cai tổ chức. Đấy là một vinh dự và sự khẳng định vị thế của Việt Nam trên đấu trường thể thao khu vực và thế giới.
Nếu tính từ lần đầu tiên tổ chức một sự kiện thể thao lớn, đó là SEA Games 22 vào năm 2003, đến nay Việt Nam đã là điểm đến lần lượt của cúp bóng đá châu Á - Asian Cup 2007, Đại hội thể thao trong nhà Asian Indoor Games 2009 và nay là ABG5, chưa tính các sự kiện bóng đá AFF Cup với 2 lần đăng cai cũng như những giải đấu châu Á và thế giới ở từng bộ môn. Tất nhiên chưa nói đến chuyện Việt Nam đã được trao quyền đăng cai Asiad 2019. Như vậy, chỉ chưa đầy hai thập kỷ, Việt Nam được cộng đồng quốc tế tín nhiệm cao về năng lực để có thể tổ chức các sự kiện lớn của châu lục.
Asian Cup sau 60 năm với 15 lần diễn ra, chỉ mới có 11 quốc gia đăng cai; hoặc như Asiad, từ năm 1951 đến nay, cũng mới 9 quốc gia được trao quyền tổ chức. Đa số các quốc gia nhận được vinh dự đó đều là những nước phát triển thể thao và kinh tế hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE, Thái Lan… Họ tham gia các giải đấu thể thao châu lục ngay từ những ngày đầu, trong khi với thể thao Việt Nam, việc hòa nhập thật sự chỉ mới từ đầu những năm 2000.
Điều đó càng cho thấy, Việt Nam đã thể hiện được sự tiến bộ rất lớn trên cả yếu tố thành tích thi đấu lẫn uy tín về công tác tổ chức. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiếm có quốc gia nào lại được “ưu ái” với hàng chục sự kiện quốc tế chỉ trong thời gian ngắn như Việt Nam. Vậy nên, sẽ vô cùng đáng tiếc nếu chúng ta tự đánh mất cơ hội của mình trong việc tận dụng những sự kiện nói trên để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, đẩy mạnh hoạt động du lịch và thương mại.
Thực tế, chúng ta chỉ mới thể hiện khả năng xoay xở trong công tác tổ chức với nguồn ngân sách vừa phải, mà vẫn đạt được hiệu quả trong chuyên môn. Còn việc đầu tư cho các sự kiện như một “mũi tên nhắm nhiều đích” thì chưa làm được. Chúng ta thiếu một tầm nhìn mang tính bao quát, một chiến lược có chiều sâu, chứ không đơn thuần là “dọn cỗ ngon” tiếp đãi bạn bè để rồi khi sự kiện khép lại thì hiệu quả chỉ được trong ngắn hạn. Chính tư duy “gói ghém” để tổ chức đã khiến cho thể thao Việt Nam bỏ lỡ đăng cai Asiad 2019 do chỉ mới đạt mục tiêu về chuyên môn mà thiếu những quyết sách mạnh mẽ trong đầu tư cho triển vọng đa mục đích.
Nhìn từ Đà Nẵng - thành phố đang đăng cai ABG5, sự kiện bắn pháo hoa quốc tế được tổ chức 2 năm/lần được quảng bá một cách chuyên nghiệp và đã gây tiếng vang lớn. Thế nhưng, khi tổ chức ABG5 thì có vẻ như Đà Nẵng lại không được biết đến nhiều như vậy dù quy mô và tầm vóc sự kiện lớn hơn gấp nhiều lần. Lý do rất đơn giản: Một sự kiện được đầu tư công phu có chủ đích hẳn hoi, trong khi sự kiện kia thì lệ thuộc nhiều vào Tổng cục TDTT với mục đích khá mờ nhạt chỉ vì tư duy “cố gắng tổ chức thành công với ngân sách chấp nhận được”. Trên thế giới cũng vậy, người ta không tính trên nguồn thu từ sự kiện để bù cho chi phí tổ chức khổng lồ mà dựa trên những lợi ích vô hình dài hạn của quốc gia.
Cơ hội khó khăn lắm mới đến, nhưng tận dụng thế nào còn khó hơn nhiều. Ở vị thế của Việt Nam, giành quyền đăng cai sự kiện châu lục và thế giới không còn là chuyện gian nan như trước, nhưng vị thế đó có thể không còn nếu sau mỗi sự kiện, tiếng vang chỉ luẩn quẩn trong biên giới nước nhà. Không thể có chuyện vị thế thì cao nhưng hành động thì lại tủn mủn, mình làm xong rồi tự khen mình. Các nhà quản lý thể thao cần có một cái nhìn toàn diện hơn mỗi khi đưa ra các đề xuất về đăng cai sự kiện lớn, thay vì chỉ thụ động trong ngành của mình, ngân sách của mình mà không đưa ra được những chiến lược có tầm nhìn dài hạn.
VIỆT QUANG