Tận dụng từng cơ hội để bứt phá

Cách đây một năm, sự xuất hiện của đoàn làm phim bom tấn Hollywood đã tạo ra sức hút mạnh mẽ không chỉ giới truyền thông trong nước mà còn tạo ra sức ảnh hưởng vượt biên giới. Ngày 10-3 tới, khi siêu phẩm điện ảnh Kong: Skull Island với các tài tử chính của phim Tom Hiddleston và Brie Larson… với những cảnh quay tuyệt đẹp ở Ninh Bình, Hạ Long và Quảng Bình, chính thức công chiếu trên toàn cầu, một lần nữa thổi bùng lên hy vọng sẽ tạo ra một cuộc bứt phá ngoạn mục đối với du lịch Việt Nam.

Câu chuyện quảng bá du lịch qua điện ảnh đã có khá nhiều “tượng đài” có thể kể đến như số khách du lịch quốc tế đến New Zealand tăng vọt chỉ sau 6 tháng bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn được trình chiếu hay ngay ở trong nước, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng đã kéo về cho Phú Yên một lượng khách nội địa đáng ngưỡng mộ. Ai cũng hiểu rõ, tiềm năng quảng bá điểm đến qua phim ảnh là rất lớn, tất nhiên việc này còn phải tuỳ thuộc khả năng lan tỏa của bộ phim cũng như những cảnh quay được sử dụng trong phim tác động như thế nào đến người xem…

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên tác phẩm điện ảnh bom tấn Hollywood được quay ở Việt Nam mà trước đó, năm 2015, khi phim Pan và vùng đất Neverland được công chiếu rộng rãi thì khán giả trong nước mới thực sự bất ngờ bởi trong phim có sử dụng những cảnh quay hang động hùng vĩ ở Hang Én thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long và cánh đồng lúa chín trải dài ở Ninh Bình… Và tất nhiên với khán giả là người nước ngoài thì họ chỉ biết đó là khung cảnh tuyệt vời nhưng chẳng ai biết đó là ở Việt Nam. Cơ hội vàng năm ấy đã bị đánh rơi đáng tiếc như vậy. Nhưng lần này, xem chừng mọi việc đã có nhúc nhích chuyển biến hơn trước khi Quảng Bình nơi đang sơ hữu hệ thống núi đá, hang động kỳ ảo đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tận dụng sức lan tỏa từ bộ phim bom tấn của Hollywood Kong: Skull Island trong việc quảng bá và xúc tiến du lịch điểm đến.

Tuy nhiên trái ngược với Quảng Bình, hai địa danh còn lại là Ninh Bình, Hạ Long và dường như cả hệ thống làm du lịch trong nước vẫn chưa thực sự chuyển động. Theo phân tích của lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL, nơi chịu trách nhiệm trong việc quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới, với nhiều phim bom tấn của Mỹ có quy định mang tính nguyên tắc là các bối cảnh dựng lên phải tháo bỏ hoàn toàn ngay sau khi đoàn phim rời khỏi hiện trường vì vấn đề bảo mật hình ảnh, trước khi phim ra rạp, các bối cảnh quay phim và các chi tiết hình ảnh của phim đều phải tuyệt đối bí mật. Trong một số trường hợp trên thế giới, sau khi phim ra mắt, nếu có ý định, các địa danh có thể đặt lại vấn đề xin bản vẽ bối cảnh và dựng lại, thường đây là việc phải có chi phí bản quyền và chia sẻ lợi nhuận với hãng...

Khó, nhưng không phải là không có cách bởi hiện Quảng Bình bên cạnh việc liên tiếp tung ra những video clip quảng bá hình ảnh thiên nhiên đẹp đến mê hồn của vùng đất địa linh, nhân kiệt này, họ cũng đang chủ động tạo ra các sản phẩm du lịch để đưa khách đến với những nơi đoàn đã quay phim, những nơi có cảnh quan đẹp, hùng vĩ như Tú Làn, Hang Va, động Thiên Đường… để du khách được tiếp cận những điểm quay phim cảnh quan thật và có sự liên tưởng vào cảnh trong phim. Việc dựng tượng 3 cánh tay của khỉ Kong trong phim tại 3 điểm quay gồm: hồ Yên Phú, thung lũng Chà Nòi và hang Chuột ở huyện Minh Hóa đã được đàm phán với đoàn làm phim Kong: Skull Island. Thêm nữa, bối cảnh chính mà phim quay ở Việt Nam chủ yếu là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo, những bối cảnh dựng gần như không có… Vì thế, việc vận dụng linh hoạt những cảnh quan có sẵn để tạo điểm nhấn quảng bá, xúc tiến cũng không phải là không thể. Chia sẻ về cơ hội vàng này, ông Nguyễn Châu Á, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Chua Me Đất (Oxalis) nói: “Chưa có nhiều bộ phim lớn được quay ở Việt Nam, do đó những gì chúng ta nghĩ về hiệu ứng của bộ phim cũng chỉ là kỳ vọng. Tôi cho rằng nếu chúng ta không có hành động gì thì khi xem xong phim và thời gian trôi đi, tất cả mọi thứ sẽ dần trôi vào quên lãng…”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2-2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1.199.421 lượt, tăng 19,1% so với tháng 1-2017 và tăng 42,2% so với tháng 2-2016. Tính chung 2 tháng đầu năm, đã có trên 2,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là những tín hiệu rất tích cực đến từ ngành du lịch những tháng đầu năm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì ngay từ bây giờ mỗi cơ hội đến với du lịch đều cần được nắm bắt và tận dụng triệt để.

Sắp tới, sẽ có hàng loạt sự kiện lớn như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (diễn ra từ ngày 6 đến 9-4) tại Hà Nội với khách mời là Hiệp hội Lữ hành Mỹ cùng 15 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu và một số hãng truyền hình, báo chí sẽ đi khảo sát sản phẩm du lịch nổi bật của Việt Nam để giới thiệu, quảng bá tại Mỹ; Triển lãm thế giới EXPO 2017 sẽ diễn ra tại Astana, Kazakhstan vào tháng 8-2017, hay một số việc làm cụ thể và chi tiết hơn như xây dựng thông tư quản lý du lịch mạo hiểm… Nếu mỗi phần việc, mỗi cơ hội lớn, bé… đều được làm nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả thì chắc chắn ngành du lịch sẽ có bước bứt phá mạnh mẽ trong năm 2017.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục