Tàn khốc hỏa hoạn

Ngỡ tưởng sau vụ cháy thảm khốc tại quán karaoke 68 phố Trần Thái Tông, Hà Nội làm 13 người chết thì ý thức về phòng chống hỏa hoạn của người dân và các cơ quan chức năng sẽ phải thay đổi và cảnh giác hơn với hỏa hoạn. Thế nhưng, thật sự đáng lo ngại khi sau vụ cháy kinh hoàng trên, tình hình cháy nổ trong cả nước vẫn tiếp tục xảy ra rất phức tạp và khốc liệt.

Liên tiếp các vụ hỏa hoạn ở khu công nghiệp, chợ, chung cư, làng nghề, nhà dân, nhà hàng… đã xảy ra tại Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh và nhiều địa phương khác, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong đó mới đây nhất là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng và đau xót đã xảy ra vào 0 giờ 10 ngày 16-12 tại nhà số 453/6 Lê Văn Sỹ (phường 12, quận 3, TPHCM) khiến cho 6 người trong một gia đình tử vong cùng 4 người khác bị thương.

Vào lúc 4 giờ sáng 16-12, “bà hỏa” lại hỏi thăm ngôi nhà 3 tầng liền kề số 60-62-64 đường Trần Văn Khéo (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) khiến cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Cần Thơ phải huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều xe cứu hỏa tới hiện trường để dập lửa và giải cứu được 4 người trong nhà, không để xảy ra thiệt hại về người. Và chỉ sau 2 vụ cháy vài giờ, khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, một vụ cháy cây xăng lại xảy ra trên địa bàn quận Gò Vấp (TPHCM).

Rõ ràng các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra không chỉ khiến cho người dân, cộng đồng xã hội rất hoang mang, bất an lo lắng, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà còn gióng lên hồi chuông báo động về hiểm họa cháy nổ đang thường trực hàng giờ, hàng phút đe dọa cuộc sống của chúng ta.

Thống kê mới nhất của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cho biết, tính đến tháng 12 năm nay, cả nước xảy ra hơn 3.000 vụ cháy, làm 98 người chết, 180 người bị thương, thiệt hại tài sản hơn 1.240 tỷ đồng và 1.829 ha rừng. Ngoài ra, toàn quốc còn xảy ra 23 vụ nổ làm thương vong 55 người. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ cháy tăng 214 vụ. Đặc biệt chỉ riêng trong tháng 11-2016, cả nước đã xảy ra 176 vụ cháy làm 15 người chết, 11 người bị thương, thiệt hại hơn 11 tỷ đồng.

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra cháy nổ chủ yếu do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện, sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, xăng dầu, khí đốt. Tuy nhiên sâu xa hơn, nguyên nhân khiến cho hiểm họa cháy nổ trong cả nước trở nên nặng nề và phức tạp hơn vẫn là ý thức chấp hành thực thi các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ bị xem nhẹ, chủ quan, thậm chí là buông lỏng đang xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và với không ít người. Vì vậy mới có chuyện nhiều vụ cháy xảy ra tại khu công nghiệp, nhà máy rất nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề chỉ vì hệ thống báo cháy và chữa cháy bị tê liệt do không có sự quan tâm đầu tư đúng mức về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ.

Trong khi đó, với nhiều khu dân cư, nhà dân, đặc biệt là các chung cư cao tầng thì công tác PCCC đang có quá nhiều bất cập. Phần lớn khu chung cư đều thiếu hệ thống PCCC như: bình bọt, đường nước chữa cháy, chuông báo cháy, bể nước phục vụ riêng cho cứu hỏa, thậm chí nhiều nơi thang thoát hiểm còn bị biến thành kho hàng hóa. Cùng với đó là một bộ phận không nhỏ người dân thiếu ý thức phòng chống cháy nổ gây ra những mối nguy hiểm cho cộng đồng, khi còn nhiều người cố tình hút thuốc lá tại khu vực để xe máy, ô tô, hóa đồ mã ngay trong nhà, rồi vứt than tro vào hệ thống thu gom rác. Thậm chí, một số người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương, chủ hộ gia đình còn chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình trong công tác PCCC, chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC.

Hiện đang là cuối năm và mùa khô hanh, cũng là thời điểm mà nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Bởi lẽ đây cũng là dịp các cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng lửa, điện và nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng mạnh và việc tăng ca, tăng thiết bị sản xuất trong khi hệ thống điện dễ dẫn đến quá tải, chập mạch gây cháy nổ. Đồng thời, việc sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phục vụ sinh hoạt trong dịp cuối năm và tết tại các gia đình cũng tăng cao.

Để phòng ngừa hỏa hoạn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra, đòi hỏi phải đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa cháy nổ cho cộng đồng, gắn công tác này vào việc xây dựng gia đình văn hóa, nông thôn mới, khu dân cư và đô thị văn minh. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, chủ doanh nghiệp và chủ hộ sản xuất trong công tác phòng chống cháy nổ. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm minh các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về PCCC, cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể buông lỏng, xem nhẹ công tác quản lý về an toàn phòng chống cháy nổ.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành, đơn vị, cơ sở cần tổ chức tốt hoạt động PCCC và cứu nạn cứu hộ tại chỗ, thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC, xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ. Các hộ gia đình cần đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC, chuẩn bị các phương án thoát nạn, hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết, đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa và nguồn nhiệt. Có như vậy, hiểm họa cháy nổ mới không còn là nỗi lo lắng, bất an thường trực đối với mỗi gia đình, mỗi người dân và cả cộng đồng, qua đó thiết thực góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục