Song điều đáng bàn là không chỉ ở mức phí, mà còn ở cách thức được cho là “tận thu” của trung tâm này.
Một lần nữa cái lý của VCPMC đưa ra là những đầu mục thu đều dựa trên khảo sát quốc tế, dựa vào những thỏa ước quốc tế. Phân tích cụ thể, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, nói: “Mức phí 25.000 đồng mỗi tivi một năm được căn cứ, tham khảo dựa trên mức thu ở nhiều nước trên thế giới, do Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhạc sĩ (CISAC) cung cấp. Ngoài ra, VCPMC cũng xem xét điều kiện thực tế tại Việt Nam, đồng thời tham khảo ý kiến các nhạc sĩ, tác giả, Bộ Tài chính và cơ sở kinh doanh. Mức thu gần như không thay đổi trong 10 năm qua.
Ở nhiều nước, họ thu từ 7USD đến 15USD. Tại Việt Nam, chúng tôi chỉ dám thu hơn 2.000 đồng mỗi tivi một tháng. Con số này đã được cân nhắc thận trọng”. Và thêm nữa, ông cũng nhấn mạnh: Việt Nam đã thụt lùi so với bạn bè quốc tế về vấn đề bảo vệ tác quyền âm nhạc. Nếu cứ lo giải thích mà không hành động, chúng ta sẽ không bao giờ có được lộ trình rõ ràng.
Mặc dù chưa thể chứng minh được việc khách vào khách sạn có xem tivi hay không và chưa chắc là chương trình họ xem có phát các bài hát của các tác giả đã ủy quyền cho VCPMC hay không, nhưng đại diện VCPMC vẫn cho rằng: nguyên tắc là chủ khách sạn đã tạo điều kiện cho công chúng (khách thuê khách sạn) tiếp cận với các tác phẩm âm nhạc của các tác giả đã ủy quyền cho trung tâm, thì dù khách có xem tivi hay không, khách sạn vẫn phải trả tiền bản quyền tác giả âm nhạc. Có thể có người vào khách sạn nhưng không nghe nhạc, nhưng khách sạn đã dùng phương tiện có sử dụng tác phẩm của trung tâm được ủy quyền ở đó thì phải có trách nhiệm trả tiền quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng… Đại diện của VCPMC còn tuyên bố rằng nếu không đóng tiền tác quyền, khách sạn có thể cắt nhạc trên tivi, rằng khách sạn cần chứng minh rằng mình không phát nhạc qua tivi… Điều này hơi lạ, bởi lẽ trong khi người đi thu tiền tìm mọi lời lẽ rằng số hồ sơ được ủy quyền quá lớn, kỹ thuật không cho phép… để không trưng đủ các bằng chứng pháp lý chứng minh mình thu tiền là đúng và hợp pháp, thì lại đá sang “thượng đế” là họ phải chứng minh không dùng nhạc.
Dưới góc độ của người bị thu tiền, ngay sau đó đại diện của nhiều khách sạn đã lên tiếng không thể chấp nhận những khoản thu chưa rõ ràng - cho dù nó là những món tiền không lớn. Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch khẳng định việc VCPMC thu tiền quyền tác giả âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn có tivi với mức phí 25.000 đồng/tivi từ tháng 10-2017 là hết sức vô lý và tùy tiện. Theo bà Xoan, việc thu tiền bản quyền tác giả tại các phòng lưu trú của khách sạn chỉ được thực hiện khi VCPMC đã xác định chính xác tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả là chủ sở hữu và là hội viên của trung tâm này. Ngoài ra, VCPMC phải xây dựng được định mức của quyền tác giả, tác phẩm được khai thác, sử dụng và tiến hành đàm phán với từng khách sạn…
Trả lời về vấn đề này, đại diện Cục Bản quyền tác giả văn hóa nghệ thuật, chính nơi này đã ra văn bản “tuýt còi”, yêu cầu VCPMC tạm dừng việc thu phí tác quyền âm nhạc theo đầu tivi trong khách sạn hồi tháng 5 vừa qua cũng đã nhiều lần khẳng định rõ: VCPMC phải xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác sử dụng của tác giả, chủ sở hữu của tác giả là hội viên của trung tâm và xây dựng được mức giá về quyền tác giả, tác phẩm đối với tác phẩm được khai thác sử dụng. Sau đó tiến hành đàm phán để được phép sử dụng tác phẩm của cá nhân cho phép được sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Thêm nữa, Cục Bản quyền tác giả cũng nhấn mạnh rằng không có điều luật nào bắt các khách sạn phải gỡ tivi trong quá trình đàm phán về bản quyền và người cần chứng minh, bảo vệ quyền lợi của mình là người cần phải đưa ra các bằng chứng hợp pháp, rõ ràng, minh bạch. Về nguyên lý là phải tách bạch được rằng trong từng phòng, phòng nào có sử dụng âm nhạc trên tivi hay không. Nếu khách sạn bảo không xem thì trung tâm phải trình được ra là khách sạn có xem. Sau đó phải thỏa thuận trả tiền thế nào. Cần phải trình rõ, khách sạn dùng bài nào, vào lúc nào, bao nhiêu giờ, tần suất bao nhiêu…
Không chỉ VCPMC mới hiểu rõ việc cần phải tôn trọng bản quyền, nếu khai thác sử dụng sản phẩm của người khác thì phải trả tiền. Song trả ra sao, như thế nào lại là một chuyện hoàn toàn khác, chứ không thể đưa ra những khoản thu áp đặt theo kiểu một mình một chợ hay là vin vào các “kinh nghiệm” thực tiễn ở nước ngoài được. Luật Sở hữu trí tuệ ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi cho tác giả, nhưng đó không phải là cái cớ để một số đơn vị tự cho mình cái quyền áp giá thu tiền, khiến quyền thụ hưởng âm nhạc chính đáng của công chúng bị hạn chế.