Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM nhiệm kỳ này là một người Mỹ gốc Việt, ông Lê Thành Ân. Ông cũng là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí tổng lãnh sự, đại diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại một thành phố lớn như TPHCM. Nhân dịp ông Lê Thành Ân sang Việt Nam nhận nhiệm vụ, báo chí thành phố đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với ông về những tình cảm cũng như những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ tại Việt Nam.
- PV: Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ có nhiều tiến triển đặc biệt trong năm 2010, thêm vào đó ông được cử làm Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM. Ông nghĩ gì về nhiệm vụ của mình trong bối cảnh hiện nay?
Ông LÊ THÀNH ÂN: Tôi không cho rằng nhiệm vụ này có ý nghĩa quan trọng đối với tôi và với người khác như thế nào cho đến khi hàng loạt thiệp chúc mừng, thư từ gửi đến tôi mấy tháng trước. Tôi đã nghe nhiều ý kiến của người Mỹ gốc Việt ở khắp nơi trên nước Mỹ và cả trên thế giới. Nhiều người cho rằng việc bổ nhiệm này như một sự khẳng định rằng mọi thứ có thể xảy ra ở nước Mỹ nếu như mọi người làm việc cật lực và tận tâm. Điều này cũng là một tín hiệu quan trọng cho thấy quan hệ Mỹ-Việt đang tiến triển vững chắc.
- Những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ 3 năm tại TPHCM?
Việt Nam và Mỹ đã tạo lập mối quan hệ hữu nghị bền vững, và công việc của tôi hôm nay không phải là làm nhiều việc để thúc đẩy một mối quan hệ mới vì nó đã được xây dựng, mà chỉ là mở rộng mối quan hệ đã có sẵn. Chúng tôi có một nhiệm vụ quan trọng và tôi đang mong đợi được nghe và chia sẻ những ý tưởng từ cộng đồng ở đây và các cơ quan truyền thông về việc làm thế nào để giúp thúc đẩy quan hệ đối tác năng động nhất mà cả hai nước chúng ta đang có. Tôi tin rằng hình ảnh nước Mỹ ở Việt Nam đã được cải thiện trong 15 năm qua và ngày hôm nay tinh thần nước Mỹ đồng nghĩa với cởi mở và tiến bộ.
Về những ưu tiên, tôi lên kế hoạch tập trung vào thúc đẩy thương mại và đầu tư của Mỹ ở Việt Nam. Những lĩnh vực này sẽ góp phần làm tăng trưởng việc làm ở Mỹ. Tôi mong muốn tạo nhiều cơ hội cho những sinh viên Việt Nam giỏi sang học ở Mỹ và khuyến khích những sinh viên đã tốt nghiệp trở về nước làm việc, góp phần xây dựng kinh tế Việt Nam. Tôi hy vọng khám phá cảm nhận về Việt Nam, hồi ấy và bây giờ, từ cách nhìn của Mỹ và Việt Nam. Trong quá trình đó, tôi mong muốn sẽ nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Mục đích cá nhân của tôi là khuyến khích các công việc từ thiện, hỗ trợ nhà trẻ mồ côi, các bệnh viện và trường học.
Trên thực tế, tôi không thể nghĩ cách nào tốt hơn để nâng tầm quan hệ Mỹ - Việt Nam bằng việc tăng cường trao đổi kinh tế giữa hai nước. Đưa sản phẩm của Mỹ đến Việt Nam sẽ tạo ra sự lựa chọn cho người tiêu dùng và giới thiệu những sản phẩm chất lượng cao làm phong phú thêm cho đời sống người dân ở đây. Và các doanh nghiệp ủng hộ việc buôn bán, phân phối và bán lẻ những sản phẩm này sẽ tạo cơ hội có việc làm cho nhiều người lao động ở hai quốc gia.
Tôi sẽ làm việc cật lực để cho thấy giá trị của việc tăng cường thương mại với Mỹ. Tôi tin chắc cộng đồng các nhà đầu tư Mỹ kể cả nhà đầu tư Việt kiều là nguồn lực to lớn mà Việt Nam cần có trong quá trình chuyển đổi từ một nước thu nhập trung bình thấp thành một nước công nghiệp hóa - mục tiêu mà Việt Nam hy vọng sẽ thành hiện thực vào năm 2020.
- Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm về quê hương Việt Nam mà ông còn lưu giữ trong ký ức?
Có thể trở lại Việt Nam sau 45 năm, đất nước nơi tôi sinh ra, trở về thành phố tôi từng sống 10 năm tuổi thơ, và có thể làm công việc của Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM là một vinh dự lạ thường và là một đặc ân. Kỷ niệm thời thơ ấu của tôi về Việt Nam rất ít, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sức hấp dẫn đối với Việt Nam, với nền văn hóa và con người Việt Nam.
Hồi nhỏ tôi từng được ba mẹ dẫn đi xem cải lương và những kỷ niệm đó vẫn còn trong tôi cho đến giờ. Khi chúng tôi được mời đi xem chương trình Chuông vàng vọng cổ, vợ tôi hỏi có chắc là tôi sẽ ngồi suốt 3 tiếng đồng hồ để xem cải lương không? Tôi trả lời: “Có chứ, điều đó thật tuyệt vời bởi nó nhắc tôi nhớ về những ký ức khi thời niên thiếu”.
Việt Trung thực hiện