Thời gian qua, phát triển kinh tế ở Việt Nam dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô và sơ chế. Phát triển bền vững là chủ trương lớn nhưng chưa được thực hiện triệt để. Mặc dù Việt Nam có chủ trương hướng tới một nền công nghiệp xanh, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế thấp nhất sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nhưng việc thực hiện còn mang tính lẻ tẻ, chưa đồng bộ do khu vực này chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển rõ ràng theo hướng xanh.
Trong bối cảnh đó, khái niệm “tăng trưởng xanh” - một xu hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế - được đông đảo chuyên gia kinh tế, môi trường, khẳng định là sẽ là cứu cánh cho Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập.
Theo tiến sĩ Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng đạt được bằng cách tiết kiệm và sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả để giảm thiểu biến đổi khí hậu và thiệt hại tới môi trường, tạo ra các động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, tạo các cơ hội việc làm mới và đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, không chỉ môi trường sống được bảo vệ mà sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia ứng dụng tăng trưởng xanh cũng được đảm bảo bền vững. Không dừng lại ở đó, thực hiện tăng trưởng xanh sẽ mở ra nhiều cơ hội thị trường đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có lợi cho môi trường như hàm lượng carbon thấp, sử dụng năng lượng tái tạo; các sản phẩm đạt chứng chỉ bền vững như dệt may và da giày trong sản xuất công nghiệp; các sản phẩm nông sản hữu cơ trong nông nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, thực hiện tăng trưởng xanh sẽ giúp phát triển kinh doanh bền vững, nâng cao được năng lực cạnh tranh bởi các doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững.
Ông Chang Jae Yun, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc - cơ quan chuyên trách viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết, thông qua cơ quan hợp tác Koica, Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực hỗ trợ Việt Nam ngay từ khi Việt Nam bắt đầu nghiên cứu xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh, tiếp theo đó là hỗ trợ triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thực hiện trong các lĩnh vực chính: đào tạo nguồn lực, hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh. Tuy nhiên, ông Chang Jae Yun cũng đưa ra kiến nghị, để thực hiện công việc này một cách hiệu quả, Việt Nam cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể như thể chế, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển tăng trưởng xanh ở cấp địa phương và tăng cường năng lực giám sát. Trong quá trình thực hiện cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các nhà hoạch định chính sách và khối tư nhân.
Ông Christian Brix Moller, Phó đại sứ Đan Mạch cho biết thêm, thời gian qua, Đan Mạch đã trở thành một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Đan Mạch đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều hoạt động như chương trình Giờ trái đất, Chiến dịch hiệu quả năng lượng giai đoạn 2011 - 2015 đến những dự án dài hơi như Dự án Hỗ trợ tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng tòa nhà hiệu quả năng lượng, xây dựng Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh... Ông Christian Brix Moller cũng cho biết thêm, Việt Nam đã có quyết định đúng đắn trong việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường cũng như tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, từ định hướng cho đến thực hiện vẫn còn là một khoảng cách rất xa. Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ mạnh hơn dưới dạng khuyến khích cho khu vực tư nhân bởi nếu doanh nghiệp tư nhân chưa nhìn thấy được cơ hội thu lợi nhuận cũng như cơ hội kinh doanh thì họ sẽ không dám đầu tư vào lĩnh vực này.
HÀ VĂN