Tăng cường kết nối, liên kết kinh tế ASEAN

Hội nhập và phát triển toàn diện
Tăng cường kết nối, liên kết kinh tế ASEAN

Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới thủ đô Naypyidaw, Myanmar dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á 2013 (diễn ra từ ngày 5 đến 7-6) với chủ đề “Chuyển đổi mạnh mẽ hướng tới hội nhập và phát triển toàn diện”, theo lời mời của Tổng thống Myanmar Thein Sein và Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Ngày 6-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ hai từ trái sang) tại phiên khai mạc WEF.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ hai từ trái sang) tại phiên khai mạc WEF.

Hội nhập và phát triển toàn diện

Với sự tham gia của khoảng 900 đại biểu đến từ hơn 50 nước, đây là diễn đàn để các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, học giả... trao đổi, thảo luận về hướng vận động của nền kinh tế thế giới và những vấn đề kinh tế lớn, cũng như xây dựng các báo cáo đánh giá quan trọng thường niên.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc hội nghị lần này đặt trọng tâm vào hội nhập khu vực và chuyển đổi là một lựa chọn phù hợp và rất đúng thời điểm. Đó là do sự gắn kết chặt chẽ giữa hai quá trình này và sự cấp thiết phải có những bước đi mạnh mẽ để giúp mỗi quốc gia và cả khu vực vượt qua khó khăn thách thức, đạt được mục tiêu chung đã đề ra, đặc biệt trước ngưỡng cửa hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, khu vực Đông Á đang phát triển năng động, là nơi tập trung những nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi với xu thế chủ đạo là hợp tác liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực, cùng phát triển, cùng có lợi. Đó là cơ hội lớn nhưng cũng đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực đổi mới, tự hoàn thiện và thích ứng với môi trường hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nhìn lại quá trình hơn 2 thập niên qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chính sự chủ động hội nhập và chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường với sự năng động sáng tạo, tinh thần doanh nghiệp và khả năng thích ứng chính sách kịp thời đã giúp Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chính sách nhất quán của Việt Nam là xây dựng một nền kinh tế thị trường năng động, cạnh tranh, nơi mà tất cả các thành phần kinh tế đều có thể phát huy được tốt nhất khả năng của mình, đồng thời luôn chủ động, tích cực đưa nền kinh tế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến một cấu phần không thể thiếu của quá trình này. đó là nỗ lực tăng cường kết nối và liên kết kinh tế giữa các nước ASEAN hay khu vực Mê Công, trong đó có việc hình thành các hành lang kinh tế xuyên quốc gia. Từ năm 1998, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, các nước trong khu vực đã triển khai xây dựng một loạt tuyến hành lang kinh tế với mục tiêu thúc đẩy giao lưu thương mại giữa các quốc gia, tăng tính cạnh tranh của khu vực, phát triển hạ tầng cơ sở và tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng sâu, vùng xa. Các tuyến hành lang này cũng sẽ là cầu nối gắn kết giữa khu vực Nam Á, Trung Á với Đông Á, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là yếu tố quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào có tham vọng mở rộng thị trường không thể bỏ qua.

Vai trò tích cực của Việt Nam tại WEF

Dự kiến, tại WEF Đông Á lần này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung chính là thúc đẩy sự chuyển đổi toàn diện Myanmar; nhận diện hội nhập khu vực; quy mô của các giải pháp khu vực và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Kể từ năm 1989, WEF thường mời Việt Nam tham dự các Hội nghị thường niên tại Davos (tại Thụy Sĩ) và các Hội nghị của WEF về Đông Á. Đặc biệt, đánh giá cao những thành tựu kinh tế ngoạn mục của Việt Nam. Năm 2007 Chủ tịch WEF đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội nghị. Ở các kỳ hội nghị tiếp theo của WEF, Việt Nam đều tham dự ở cấp cao. Sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gây được ấn tượng mạnh mẽ trong các thành viên của WEF. Năm 2010, tại TPHCM, Việt Nam đã đăng cai WEF về Đông Á lần thứ 19, với chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu”. Gần đây nhất, tại WEF 2012 với chủ đề “Định hình tương lai khu vực thông qua kết nối” tổ chức tại Thái Lan (tháng 5-2012), đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự, đã có những đóng góp quan trọng.

Trong khuôn khổ Chương trình tham dự WEF Đông Á 2013, chiều 6-6 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến Tổng thống Myanmar Thein Sein. Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đồng thời khẳng định tiếp tục phát huy các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước.

Tối 6-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn lên đường về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự diễn đàn.

KHÁNH MINH tổng hợp

Tin cùng chuyên mục