Trọng tâm công tác xử lý xe thô sơ, tự chế trên địa bàn trong thời gian tới vẫn sẽ chủ yếu là tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng để tuần tra, kiểm soát.
Theo Ban An toàn Giao thông (ATGT) thành phố - đơn vị được UBND TPHCM giao làm đầu mối chủ trì, để xử lý xe 3-4 bánh tự chế, thô sơ trên địa bàn - hiệu quả của công tác này sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp với các đầu mối, các đơn vị, sở ngành chức năng khác như Sở GTVT, Công an thành phố, Sở LĐTB-XH, UBND các quận huyện.
Phó ban chuyên trách Ban ATGT thành phố Nguyễn Ngọc Tường xác nhận sau hơn hai năm triển khai chủ trương cấm xe ba gác, xe 3-4 bánh thô sơ tự chế, tình hình mới có chuyển biến một phần. Các tuyến đường đã giảm rõ rệt sự lưu thông của các phương tiện này, nhưng chấm dứt hoàn toàn thì chưa thể. “Bởi vì ở rải rác chỗ này chỗ kia, người ta vẫn bắt gặp các xe thô sơ, tự chế, đặc biệt các quận huyện vùng ven” ông Tường nói thêm.
Trên thực tế, các tuyến đường Kha Vạn Cân, quốc lộ 13, quận Thủ Đức; đường Phan Văn Trị, Quang Trung, quận Gò Vấp; đường Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, quận Tân Bình và nhiều đường ngang ngõ dọc ở các huyện Bình Chánh, Nhà Bè… người đi đường rất dễ bắt gặp hình ảnh các loại xe tự chế và chở đủ loại vật liệu xây dựng, sắt thép, hàng hóa vẫn “hồn nhiên” chạy tung tăng trên đường.
Thậm chí nhiều xe chở cao chừng 4m làm khuất tầm nhìn của các phương tiện giao thông ở phía sau, không ít xe thô sợ tự chế ấy còn phóng nhanh vượt ẩu, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông.
Thống kê của ngành chức năng, toàn thành phố có hơn 24.000 xe 3-4 bánh thuộc diện bị đình chỉ lưu thông, trong đó khoảng hơn 3.000 xe của người nghèo.
Trong báo cáo mới nhất gửi UBND TPHCM về công tác trọng tâm từ nay đến cuối năm, Ban ATGT thành phố xác định bên cạnh việc thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và tuyến đường thủy nội địa như kiểm tra bến khách ngang sông và bến du lịch trên địa bàn, Ban cũng chú trọng kiểm tra công tác thực hiện chuyển đổi nghề, thu hồi, xử lý phương tiện xe 3, 4 bánh không được phép hoạt động theo quy định của Chính phủ trên địa bàn TPHCM.
Để chuẩn bị cho điều này, ngay từ đầu năm nay Ban ATGT thành phố đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các đơn vị có liên quan, UBND 24 quận huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát đình chỉ lưu hành các loại xe ba, bốn bánh tự chế.
Mới đây Công an TPHCM đã kiến nghị UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm Sở Công thương, Sở GTVT, Sở LĐTB-XH… để kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe ba, bốn bánh tự chế. Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ thường xuyên hoạt động, được quyền lập biên bản, rút giấy phép kinh doanh khi phát hiện cơ sở vi phạm.
Giải thích về đề xuất này, lãnh đạo Công an TP cho biết nguyên nhân do thời gian qua việc xử lý, tịch thu xe loại này chưa được triệt để vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hàng đầu và cũng khó giải quyết nhất là vấn đề sinh kế của hộ gia đình có xe thô sơ, tự chế. Trường hợp xảy ra ở Công an quận Tân Phú là một điển hình. Địa bàn này lao động nhập cư nhiều, số người mưu sinh bằng các nghề buôn bán hàng rong sử dụng các loại xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế chiếm tỉ lệ cao.
Khảo sát sơ bộ có khoảng 4.000 - 5.000 xe ba gác, xích lô, xe đẩy tay. Thế nhưng nếu xử lý mạnh sẽ đụng chạm đến đời sống của trên 10.000 người dân, vì vậy bên cạnh việc xử lý quyết liệt, quận phải từng bước giúp người dân chuyển đổi ngành nghề mưu sinh.
Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý loại xe thô sơ này mất rất nhiều thời gian, công sức trong khi kho bãi chứa xe vi phạm cũng chiếm diện tích lớn, việc lập hồ sơ tiêu hủy lại kéo dài.
Thiện Nhân