
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác giám sát đầu tư, Bộ Công nhiệp đang quan tâm chấn chỉnh thực trạng có nhiều dự án đầu tư bị kéo dài đang gây lãng phí nghiêm trọng nguồn vốn của nhà nước.
- Dự án kéo dài chi phí tăng thêm hàng trăm tỷ đồng
Kỷ lục tăng chi phí có lẽ phải kể đến dự án đầu tư mở rộng công suất của Giấy Bãi Bằng, tăng tới 263 tỷ đồng do chậm triển khai dự án so với quyết định được phê duyệt tới 24 tháng. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu chuẩn bị đầu tư chưa tốt, trong đó việc khảo sát xây dựng chưa làm kỹ khiến quá trình thực hiện và tổ chức thi công xảy ra nhiều vấn đề phải giải quyết. Có công trình hồ chứa xử lý nước thải phải khảo sát lại vì nền đất yếu và phát sinh nhiều chi phí xử lý.

Sản xuất tập vở tại HTX Giấy Vĩnh Tiến. Ảnh: VIỆT DŨNG
Quá trình triển khai dự án chậm tới 24 tháng. Cũng thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam, dự án đầu tư nâng cấp hiện đại hóa Nhà máy Giấy Việt Trì triển khai chậm 33 tháng, làm phát sinh chi phí thêm 171,2 tỷ đồng. Đó là chưa kể, dự án Giấy và bột giấy Thanh Hóa được triển khai từ năm 2001 và theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt thì cuối năm 2006 này sẽ đưa vào vận hành. Thế nhưng đến thời điểm này dự án vẫn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, chưa phê duyệt thiết kế kỹ thuật tổng dự toán và thu xếp vốn vay, do vậy cũng chưa biết đến bao giờ dự án này mới có thể đi vào hoạt động.
Cũng trong ngành giấy, khá nhiều dự án đầu tư chưa được khảo sát kỹ nên gây lãng phí nghiêm trọng. Kết quả phá sản của dự án bột giấy Kon Tum là một sai lầm cả về chủ trương đầu tư, quá trình khảo sát và quy hoạch xây dựng dự án. Trong khoảng thời gian kéo dài 8 năm, dự án đã được triển khai đến tận giai đoạn giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn để san lấp mặt bằng, triển khai đầu tư trại giống cây nguyên liệu và đã tiến hành đầu tư trồng nguyên liệu một số nơi, tuyển người và gửi đi đào tạo nghề…
Thế nhưng, cuối cùng dự án này vẫn phải ngừng triển khai do sau khi rà soát quy hoạch cho thấy không đủ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất. Qua quá trình kiểm tra thực tế triển khai các dự án đầu tư, Bộ Công nghiệp cho rằng nhiều dự án đầu tư trong ngành giấy không những không được tính toán kỹ mà còn chưa đảm bảo các yêu cầu thủ tục pháp lý.
Đơn cử như dự án đầu tư dây chuyền xử lý giấy vụn OCC của Công ty Giấy Tân Mai không hiệu quả, sau khi đầu tư xong chưa được khai thác do không có nhu cầu sử dụng bột nhiều nên Tân Mai chỉ cần chạy một dây chuyền OCC, do vậy sau khi đầu tư xong, một dây chuyền sản xuất bột OCC hầu như không hoạt động. Hoặc như dây chuyền sản xuất giấy bao gói của Công ty Giấy Hoàng Văn Thụ, sau khi hoàn thành dự án đầu tư và đi vào hoạt động đã không chạy hết công suất thiết kế khiến giá thành sản phẩm cao, khả năng thu hồi vốn thấp.
- Tìm cách “trám” lỗ hổng
Ông Nguyễn Xuân Thúy, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, cho biết, qua công tác giám sát đầu tư ở các doanh nghiệp của Bộ, còn nổi lên vấn đề, có những dự án sai sót về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong thực hiện đầu tư, như quá trình thi công có phát sinh phải điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh dự toán nhưng chưa báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc thực hiện trước khi phê duyệt. Công tác đấu thầu còn có những vi phạm trong phê duyệt hình thức đấu thầu. Có gói thầu của dự án… được chào hàng cạnh tranh 22 tỷ đồng, thế nhưng giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu mà không có giải thích rõ ràng. Có nơi tổ chức đấu thầu chưa đảm bảo quy chế đấu thầu.
Bộ Công nghiệp nhận định đây chính là do năng lực chủ đầu tư dự án còn yếu, công tác đánh giá và khảo sát thị trường chưa tốt, không tính toán kỹ hiệu quả kinh tế, chưa lường hết các yếu tố biến động về chi phí xây dựng và tỷ giá ngoại tệ… làm phát sinh nhiều chi phí khiến tổng vốn đầu tư tăng cao, dự án phải điều chỉnh nhiều lần, làm chậm tiến độ triển khai dự án, nên khi đi vào sản xuất không hiệu quả.
Khi so sánh chung các dự án đầu tư của ngành giấy, có thể thấy một điều đáng suy ngẫm, đó là suất đầu tư của doanh nghiệp giấy quốc doanh cao hơn rất nhiều so với tư nhân. Tất nhiên sẽ có sự khiên cưỡng khi so sách vì nguồn gốc thiết bị, thời điểm đầu tư giá cả máy móc có khác nhau, nhưng rõ ràng sự chênh lệch quá lớn như vậy sẽ khó khăn đối với dự án có suất đầu tư cao khi cùng thời điểm hai dự án đưa vào khai thác cho ra sản phẩm.
Tới đây, Bộ Công nghiệp yêu cầu các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định và thẩm định các dự án đầu tư, chỉ ra quyết định đầu tư khi xác định rõ nguồn vốn và trong phạm vi nguồn vốn được phân cấp; cần cân nhắc thận trọng khi quyết định một dự án đầu tư về các mặt mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư; lựa chọn công nghệ, thời gian và địa điểm đầu tư để tránh sai sót ngay từ chủ trương đầu tư.
Với những dự án lớn đang có ý kiến khác nhau thì cần rà soát lại chủ trương đầu tư và hiệu quả để kịp thời có hướng xử lý. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm ban hành một văn bản thống nhất về quản lý đầu tư và xây dựng, tránh tình trạng như hiện nay phải tra cứu nhiều văn bản không đồng bộ gây khó khăn trong quá trình thực hiện và xử lý trách nhiệm sau này.
VĂN MINH HOA