Tối 12-12 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản, dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản và Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản tại Tokyo từ ngày 12 đến 15-12 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Điểm sáng trong quan hệ đối tác chiến lược
Thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, trong đó kinh tế là một trong những điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam (cam kết ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD/năm tài khóa 2012) và nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam (cả về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân).
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2012 đạt khoảng 24,7 tỷ USD. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Bên cạnh đó, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 12-2004), Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA - tháng 10-2009)... tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hiện 2 bên đang hợp tác triển khai Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác về văn hóa thông tin, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, lao động, du lịch... thời gian qua cũng đạt được những kết quả hết sức tích cực.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm hai nước Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao nhằm góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt là hợp tác kinh tế, đầu tư, viện trợ phát triển cũng như sự phối hợp giữa Việt Nam, Nhật Bản tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Tăng cường hợp tác Mekong - Nhật Bản
Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản nhằm đánh giá thành quả của quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong 4 thập niên qua và thảo luận phương hướng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản trong thời gian tới, tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác của Nhật Bản dành cho ASEAN trong xây dựng cộng đồng, liên kết kinh tế, tăng cường kết nối, phát triển nhân lực, thu hẹp khoảng cách...
Trong khi đó, Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 5 này sẽ lại là cơ hội để Nhật Bản cùng các nước vùng sông Mekong (gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các bên. Hợp tác Mekong - Nhật Bản phát triển tương đối thuận lợi do có lợi ích chiến lược ở khu vực; tính bổ trợ lẫn nhau do Nhật Bản là đối tác phát triển có tiềm lực kinh tế và công nghệ, trong khi các nước Mekong có tiềm năng lớn về nguồn lực tài nguyên, nhân công và thị trường; Nhật Bản là quốc gia gần về địa lý, khá trung lập và ôn hòa về mặt chính trị, do đó việc hợp tác với tất cả các nước Mekong cũng dễ dàng.
Trong giai đoạn 2013-2015, tại Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 4 (4-2012, Tokyo), các nhà lãnh đạo đã thông qua Chiến lược Tokyo, theo đó xác định 3 trụ cột hợp tác mới giai đoạn 2013 - 2015 gồm: tăng cường kết nối khu vực Mekong và giữa Mekong với các nước bên ngoài; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Nhật Bản và các nước Mekong; hợp tác về môi trường và an ninh con người.
Trả lời phóng viên trước thềm hội nghị ngày 12-12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định ASEAN là đối tác đặc biệt quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trung tâm trong đường lối đối ngoại của nước này. Theo ông Abe, hội nghị này nhằm khẳng định hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản - ASEAN. Tokyo dự kiến sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo ASEAN về các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, môi trường…
Indonesia có kế hoạch nêu vấn đề căng thẳng trên biển Hoa Đông hiện nay tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nhận định tình hình chính trị ở Đông Á hiện khá căng thẳng và nước này sẽ nêu quan điểm của mình về vấn đề biển Hoa Đông tại hội nghị. Ông đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo duy trì hòa bình và ổn định nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế của khu vực. |
ĐỖ CAO (tổng hợp)