Tăng đầu tư công, tạo đà phát triển

Tăng đầu tư công, tạo đà phát triển

Trong bối cảnh kinh tế có biểu hiện trì trệ, tăng đầu tư công là một giải pháp quan trọng đã được đề cập đến trong Nghị quyết của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, nguồn vốn này cần được “rót” vào đâu và do ai thực hiện? TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

TS Nguyễn Đức Kiên

TS Nguyễn Đức Kiên

- Phóng viên: Ông có nhận xét gì về giải pháp tăng cường giải ngân vốn đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế?

>> Ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Trong 2 phiên họp gần đây, Chính phủ đã nhìn nhận đúng thực trạng của nền kinh tế hiện nay. Để tìm ra giải pháp khắc phục sự trì trệ của nền kinh tế (mà biểu hiện là tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, lạm phát và tín dụng đều tăng trưởng thấp, trong khi kiều hối lại chảy về khá lớn; số lượng doanh nghiệp phá sản hoặc gặp khó khăn vẫn cao…), chúng ta phải xác định được nguyên nhân chính là do đâu? Do điều hành chưa hợp lý hay do sức mua của nền kinh tế thấp? Phân tích tất cả những yếu tố đó, tôi cho rằng việc tăng đầu tư công, ít nhất là trong năm nay và những tháng đầu năm 2015 là quyết định đúng đắn; có thể tạo ra động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này, chặn được đà suy giảm của khối doanh nghiệp dân doanh và tạo đà phát triển cho khối doanh nghiệp nhà nước.

Thực tế, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội cũng đã quyết định cho phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong 3 năm 2014 - 2016 để đầu tư cho 4 nhóm dự án, công trình, bên cạnh gói 225.000 tỷ đồng của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Vấn đề là ai sẽ thực hiện đầu tư công và công tác giám sát như thế nào để đảm bảo hiệu quả mà thôi.

Theo tôi, các chủ thể thực hiện đầu tư công không chỉ là doanh nghiệp nhà nước mà phải bao gồm cả khối doanh nghiệp dân doanh và việc đầu tư công cần được triển khai thực hiện theo cơ chế đấu thầu hiện hành, nghĩa là đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch để đạt được hiệu quả cao nhất.

- Đầu tư công cho những lĩnh vực nào để có thể tạo ra được “cú hích” đáng kể đối với nền kinh tế, phát huy được tác dụng tốt nhất, thưa ông?

Nghị quyết đã xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên là y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng, nhưng đúng là ngay trong các lĩnh vực ưu tiên đó cũng cần có sự xem xét, lựa chọn. Chẳng hạn như y tế, chúng ta nên đầu tư cho chuyên khoa chuyên sâu hay tập trung cho tuyến cơ sở để giảm áp lực khám chữa bệnh cho người dân? Tôi cho rằng với y tế và giáo dục hiện nay vẫn phải đầu tư mạnh cho khu vực nông thôn để thực hiện tốt mô hình nông thôn mới, nâng cao chất lượng sống của người dân; nâng cao chất lượng đội ngũ lao động kế cận của xã hội, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng.

Từ một vấn đề đang bức xúc hiện nay là dịch sởi bùng phát làm cho hơn 100 cháu bé thiệt mạng, có thể thấy đầu tư cho y tế đỉnh cao cũng rất cần thiết, nhưng trước mắt thì việc phát triển y tế cơ sở, giảm tải cho bệnh viện trung ương là bức xúc hơn. Đó là chưa kể một tác dụng phụ không mong muốn là thành tựu y tế, giáo dục đỉnh cao (trong khi tuyến cơ sở không đáp ứng tốt nhu cầu) đã thu hút một lượng lớn người dân nhập cư về các trung tâm đô thị, dẫn đến tăng dân số cơ học vượt quá các tính toán quy hoạch, cân đối ngân sách cũng vì vậy mà bị phá vỡ.

Tương tự, đầu tư cơ bản cho hạ tầng giao thông lúc này vẫn rất cần thiết, nhưng chỉ nên đầu tư đường cao tốc ở các khu vực là động lực phát triển kinh tế như Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh hay TPHCM và vùng phụ cận…; một số vùng sẽ chỉ đầu tư duy tu bảo dưỡng để đảm bảo giao thông thông suốt với loại đường cấp 3 đồng bằng. Xét theo quan điểm như thế thì một số đoạn của tuyến cao tốc quốc lộ 1 là chưa thật sự cần thiết. Đường cao tốc Hà Nôi – Hải Phòng cũng vậy. Thay vào đó, tại sao chúng ta không đầu tư nâng cao năng lực vận tải đường sắt tuyến này? Tóm lại, chúng ta cần có một chiến lược về vận tải ở tầm quốc gia, cân nhắc để tận dụng cả đường sắt, đường thủy chứ không nên quá tập trung vào đường bộ.

- Vừa qua, cách tính toán đầu tư công của một số cơ quan chức năng tỏ ra thiếu sự cẩn trọng cần thiết, cụ thể như các vụ dự tính chi phí đầu tư tổ chức Asiad 2018 hay chi phí đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, khiến người dân cảm thấy băn khoăn về tính đúng đắn và hiệu quả của đầu tư công. Ông có nhận xét gì về điều này? Luật Đầu tư công sắp được trình Quốc hội xem xét liệu có giải quyết được những bất cập này?

Phải nói rằng vừa qua các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, do đó chưa tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Công tác truyền thông cũng chưa chính xác và toàn diện. Đây là việc cần rút kinh nghiệm. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng để đảm bảo hiệu quả của đầu tư công thì toàn bộ quá trình đầu tư, từ đề ra chủ trương, quyết định đầu tư cho đến khâu thực hiện, giám sát quá trình đầu tư… đều cần được quan tâm. Như vậy không chỉ Luật Đầu tư công mà toàn bộ hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, kể cả Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đều cần có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp theo hướng nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư.

- Ông có thể nói rõ hơn về trách nhiệm của chủ đầu tư?

Phải cải tổ triệt để mô hình chủ đầu tư trong đầu tư công hiện nay, theo hướng chủ đầu tư là chủ thể chịu trách nhiệm cuối cùng và cao nhất về công trình, dự án. Không nên tuyệt đối hóa mô hình thuê tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát vì tính chế tài đối với các tổ chức tư vấn là rất yếu; khi xảy ra sự cố thì với vốn liếng hiện nay, các tổ chức tư vấn này dù có muốn cũng không đền bù được! Giám sát cộng đồng cũng chỉ đến một mức độ nhất định. Bởi với công trình lớn, phức tạp thì phải có chuyên môn và trách nhiệm mới có thể giám sát hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục