Ngày 28-6, tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ở trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến về việc xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu của người lao động theo Điều 91 Bộ Luật Lao động năm 2012.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn đề xuất, tham gia ý kiến với Bộ LĐ-TB và XH, với Hội đồng Tiền lương quốc gia để trình Thủ tướng xem xét. “Tinh thần là giải quyết một cách hài hòa, các bên thảo luận một cách thấu tình đạt lý, chặt chẽ, “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, bởi nếu tăng lương tối thiểu cao quá thì khó thu hút đầu tư, đồng nghĩa không giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, nhưng để thấp quá thì đời sống người lao động gặp khó khăn”, Thủ tướng nói.
Trước đó, ngày 27-6, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên bàn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Nhiều phương án tăng lương khác nhau được đưa ra để các bên cùng thảo luận. Cụ thể, bộ phận kỹ thuật Hội đồng đưa ra 3 mức: một là tăng từ 130.000 đồng đến 180.000 đồng (5%); hai là tăng 160.000 đồng - 220.000 đồng (6%); ba là tăng 180.000 đồng - 250.000 đồng (6,8%).
Đại diện giới chủ - Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng doanh nghiệp đang phải cạnh tranh gay gắt, sản xuất thu hẹp nên đề xuất mức tăng dưới 5% là hợp lý. Trong khi đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng tuyệt đối 370.000 đồng - 450.000 đồng (13,3%) và cho rằng, mức dưới 5% như đề xuất của VCCI chỉ đảm bảo bù trượt giá, tức là không tăng. Trong khi lương tối thiểu vùng dù được điều chỉnh tăng hàng năm vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.
Đây mới chỉ là phiên họp đầu tiên của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức tăng bao nhiêu sẽ được hội đồng điều chỉnh dần qua các phiên họp tiếp theo.
Lương tối thiểu vùng năm 2017 được chốt tăng 7,3% (180.000 - 250.000 đồng) sau hai phiên thảo luận của Hội đồng tiền lương quốc gia.