Tăng năng lực, giảm lệ thuộc

Những diễn biến căng thẳng trên biển Đông xung quanh việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam đã dấy lên những lo ngại về mức độ ảnh hưởng của kinh tế Việt Nam, trong đó có hoạt động xuất khẩu. Chính vì vậy, việc phát triển các thị trường xuất khẩu khác một lần nữa tiếp tục được đặt ra.

Những diễn biến căng thẳng trên biển Đông xung quanh việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam đã dấy lên những lo ngại về mức độ ảnh hưởng của kinh tế Việt Nam, trong đó có hoạt động xuất khẩu. Chính vì vậy, việc phát triển các thị trường xuất khẩu khác một lần nữa tiếp tục được đặt ra.

Theo Bộ Công thương, năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt khoảng 50 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 13 tỷ USD (chủ yếu là nông sản, nguyên liệu thô) và nhập khẩu gần 37 tỷ USD (chủ yếu là các linh kiện điện thoại di động, các phụ kiện cho dệt may và da giày, các trang thiết bị cho các nhà máy điện). Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng nhưng cũng từ hơn chục năm trở lại đây, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu so với Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng thứ 4 với 6,1 tỷ USD (sau Hoa Kỳ, EU, ASEAN), trong khi nhập khẩu tới 16,1 tỷ USD. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam (khoảng 10 tỷ USD).

Đã từ lâu, bài toán về đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc đã đặt ra nhưng hầu như tình hình ít được cải thiện. Sự “dễ tính” của thị trường xuất khẩu lớn và là láng giềng đã khiến cho các nhà xuất khẩu trong nước chỉ “chăm chăm” tìm mọi cách xuất sang Trung Quốc mà ít tìm cách thay đổi. Để rồi mỗi khi được mùa hay bị phía đối tác ép giá là sản xuất trong nước lại lao đao. Tuy nhiên, thay đổi hay phát triển các thị trường khác lại không hề dễ bởi điều đó phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, sự phát triển của công nghiệp chế biến… Trong khi đó, những điều này đang là thế yếu của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà trong kế hoạch xúc tiến thương mại, Bộ Công thương còn dự tính thuê chuyên gia tư vấn tại Trung Quốc hoặc của Trung Quốc nghiên cứu để thâm nhập thị trường này.

Những diễn biến gần đây và yêu cầu hội nhập thời gian tới đã đòi hỏi phải có sự mạnh mẽ hơn trong việc đa dạng hóa, khai thác tốt hơn thị trường xuất khẩu. Đó là, với kỳ vọng ra đời Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, các doanh nghiệp cần linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng dự kiến từ AEC. Trong đó có việc thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế của mình với không chỉ khối thị trường ASEAN mà còn với các thị trường khác, trong đó có các thị trường ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand...

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy nhanh việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU. Nếu được ký kết, các ưu đãi về thuế quan sẽ tiếp tục được cắt bỏ sẽ tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Bởi khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện là thị trường thương mại quan trọng nhất của Việt Nam (khoảng 70% và 80% tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu) và EU vẫn là điểm ưa thích của các doanh nghiệp Việt Nam khi luôn đứng thứ 2 về thị trường xuất khẩu.

Cơ hội như vậy nhưng để nắm bắt được, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Với AEC, khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan được cắt giảm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm, dịch vụ, đầu tư của các doanh nghiệp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm và có ưu thế về dịch vụ trên thế giới, doanh nghiệp của các nước trong khu vực ASEAN khác như Singapore, Malaysia… Với TPP, mức độ cạnh tranh cũng không hề dễ dàng khi mà theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa, các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên TPP sang thành viên khác phải có xuất xứ nội khối mới được hưởng ưu đãi. Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu gia công xuất khẩu dựa trên nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu đầu vào từ các nước bên ngoài TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cơ hội và thách thức luôn song hành cùng nhau nhưng vấn đề là doanh nghiệp phải tận dụng những lợi thế của mình để nắm bắt cơ hội cũng như có chiến lược tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu khi bắt đầu hội nhập sâu với kinh tế thế giới. Xét trên mọi hoàn cảnh, đây là thời điểm cấp thiết để phát huy nội lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Ngoài ra, bên cạnh việc tính toán mở rộng thị trường xuất khẩu cần đặc biệt quan tâm hơn tới thị trường trong nước với gần 90 triệu dân.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục