Tăng tiếp dân để hiểu dân hơn

Khi người dân đòi tiếp công dân
Tăng tiếp dân để hiểu dân hơn

“Không thường xuyên tiếp công dân thì làm sao hiểu được dân. Mà đã không hiểu dân thì mọi quyết định sẽ xa dân…”. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã nói như vậy tại cuộc gặp mặt cuối năm tổng kết các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, năm 2013 lãnh đạo TP đã có 36 cuộc tiếp công dân, qua đó không chỉ kịp thời giải quyết được nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, mà còn kịp thời chấn chỉnh, xử lý những yếu kém, thiếu sót của một số cá nhân, đơn vị làm sai, gây bức xúc cho dân.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín trực tiếp tiếp công dân và giải quyết một vụ khiếu nại ở quận Gò Vấp kéo dài gần 10 năm.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín trực tiếp tiếp công dân và giải quyết một vụ khiếu nại ở quận Gò Vấp kéo dài gần 10 năm.

Khi người dân đòi tiếp công dân

Bà Nguyễn Thị Phương (ngụ khu dân cư Tân Tiến, phường Tân Thới Hiệp) dù đã hai lần nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của UBND quận 12 nhưng vẫn không chấp nhận và một mực đòi gặp Chủ tịch UBND quận trước khi khởi kiện ra tòa. Hai quyết định của UBND quận 12 gồm không đền bù khi Nhà nước thu hồi hơn 1.000m2 để làm đường và bác khiếu nại quyết định cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án cấp nước cho khu dân cư Tân Tiến. Theo quy định của Luật Khiếu nại, bà Phương còn có quyền khiếu nại cả hai quyết định này lên cấp trên. Thế nhưng, bà vẫn đòi được gặp lãnh đạo quận và một mặt “gõ cửa” lên Chánh Thanh tra TP đề nghị xem lại tính pháp lý của các quyết định hành chính mà UBND quận 12 ban hành.

Trong số 34 vụ việc đã có quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại và quyết định xử lý tố cáo của các cơ quan trung ương và UBND TPHCM còn tồn phải thực hiện có rất nhiều trường hợp xin được gặp lãnh đạo. Trong đó có trường hợp của ông Đỗ Kim Sơn, Lê Văn Thạch và Lê Quang Xuân ở quận 4. Sau khi yêu cầu được gặp lãnh đạo TP và trung ương không được đáp ứng, các trường hợp trên đã khởi kiện ra tòa hành chính, làm cho vụ việc quay lại trình tự từ đầu với thời gian không biết đến bao giờ kết thúc. Về vấn đề này, Chánh Thanh tra TPHCM Lâm Đình Chiến thừa nhận: “Nhiều vụ việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng đã kéo dài đến cả chục năm không giải quyết được. Ở đây có nguyên nhân lãnh đạo chính quyền từ cơ sở đến quận huyện chưa gặp dân để nghe hết ngọn nguồn sự việc và những bức xúc của dân. Dưới không làm hết trách nhiệm rồi đẩy lên trên dẫn đến quá tải, chậm giải quyết làm cho dân phiền hà, bức xúc…”.

Dự án xây dựng Trường THPT Năng khiếu TD-TT tại số 2Bis Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao (quận 1) cũng có hơn 20 trường hợp khiếu nại kéo dài hơn 5 năm, đã bị đẩy lên trên, chuyển về dưới không biết bao nhiêu lần nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Nhiều trường hợp đòi gặp lãnh đạo theo trình tự tiếp công dân, nhưng UBND quận 1 không đáp ứng mà chỉ đưa ra hình thức đối thoại tập thể cùng một lúc với hơn 20 hộ. Kết cục là nhiều trường hợp đáng lý chấp nhận theo quyết định giải quyết của quận đưa ra, đã nghe theo những trường hợp bức xúc, tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn, hoặc chuyển sang tố cáo hành vi chậm giải quyết khiếu nại của cá nhân, tổ chức theo Luật Tố cáo.

Nhiều nơi tiếp công dân còn hình thức

Đó là nhận định của lãnh đạo Văn phòng Tiếp công dân TP. Mặc dù năm 2013, TP đã tổ chức tiếp 43.546 lượt công dân, nhưng chủ yếu là tiếp thường xuyên theo lịch hàng tuần tại các cơ quan hành chính. Còn lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong bộ máy hành chính các cấp trực tiếp đứng ra tiếp công dân để nghe những bức xúc, kiến nghị giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật thì rất ít. Có nơi như ở UBND quận 5, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn… bộ phận tiếp công dân chỉ làm nhiệm vụ đăng ký gặp lãnh đạo hoặc hướng dẫn, giải thích các quy định liên quan đến việc khiếu nại trên một số lĩnh vực. Ở nhiều nơi, lịch lãnh đạo tiếp công dân còn không được công khai để dân biết đăng ký yêu cầu được tiếp. Hầu hết bộ phận tiếp công dân ở các cơ quan hành chính chỉ làm nhiệm vụ nhận đơn và khi có yêu cầu của người dân muốn được gặp lãnh đạo thì đăng ký, truyền đạt lên cấp trên xem xét. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được trả lời và bố trí lịch lãnh đạo tiếp để lắng nghe, giải quyết thấu đáo những bức xúc của dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tiếp công dân TP Phan Thanh Tuấn, do công tác tiếp công dân ở cấp quận huyện, phường xã làm chưa tốt, nên người dân cứ dồn lên trên. Nếu công tác tiếp dân mà gắn được với giải quyết, sẽ hạn chế rất lớn tình trạng khiếu nại vượt cấp, khiếu nại sai… Sắp tới khi Quốc hội ban hành Luật Tiếp công dân, sẽ có những quy định rất chặt chẽ về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính trong việc tiếp công dân. Những cơ quan hành chính nào từ chối tiếp công dân, hoặc tiếp công dân nhưng không làm hết trách nhiệm của mình, để người dân phải đi lại nhiều lần, trước tiên người đứng đầu sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục