Tăng tốc

Tình hình kinh tế - xã hội TPHCM trong 9 tháng qua có nhiều khởi sắc, kinh tế dần phục hồi. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TPHCM đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khối lượng công việc từ nay đến cuối năm vẫn còn rất nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra cho TPHCM không chỉ dồn sức hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013, mà còn phải bảo đảm an sinh xã hội và chuẩn bị hàng hóa chăm lo Tết Nguyên đán năm 2014 cho nhân dân.

So với thời gian cùng kỳ, hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở TPHCM năm nay đều tăng trưởng khá: tổng doanh thu tăng 8,7%, thu từ khu vực kinh tế tăng 14,49% trong đó thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,51%, từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 13,53%; số doanh nghiệp tăng thêm là 23.088, trong đó số doanh nghiệp mới là 18.384, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 4.704. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng chuẩn bị tung ra trong dịp tết, nên đã mạnh dạn vay vốn cho sản xuất, kinh doanh với mức tăng hơn 4%, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu… Tuy vậy, tình hình nợ xấu còn cao, thị trường bất động sản chưa phục hồi, đầu tư xây dựng cơ bản chưa nhiều, sức tiêu thụ thị trường trong nước cũng như những thị trường xuất khẩu lớn vẫn còn thấp... Quý 4-2013 là thời điểm quan trọng để TPHCM tăng tốc, thực hiện kế hoạch cả năm 2013, đồng thời xây dựng kế hoạch năm 2014. Điều này đặt ra cho TPHCM phải tập trung huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, chủ động lên kế hoạch và tập trung theo dõi sát tình hình để công tác điều hành tốt hơn.

Trong 3 tháng cuối năm 2013, nhiệm vụ đặt ra cho các ngành, địa phương ở TPHCM là tập trung chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ tài chính - ngân sách, trong đó quản lý thu ngân sách, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; đồng thời tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công những công trình trọng điểm, công trình có quy mô lớn đã được ưu tiên bố trí vốn, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng theo yêu cầu…

Tuy nhiên, mức độ hoàn thành kế hoạch năm 2013 của TPHCM còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có sự hỗ trợ và công tác điều hành của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và giải pháp điều hành, quản lý giá của các bộ, ngành đối với các mặt hàng chiến lược để tạo điều kiện ổn định cho doanh nghiệp. Yêu cầu đặt ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 4-2013 và năm 2014 là các chính sách cần tiếp tục hỗ trợ cho đầu tư và tiêu dùng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất kích thích kinh tế; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần phải đạt từ 30% GDP trở lên; tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là 3 lĩnh vực tái cơ cấu tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu đầu tư. Trong quyền hạn của mình, để có bước phát triển vững chắc trong thời gian tới, TPHCM sẽ thực hiện quyết liệt hơn việc sắp xếp lại doanh nghiệp, thoái vốn ở những doanh nghiệp không hiệu quả để đầu tư cho hạ tầng, đồng thời tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp.

Cũng như nhiều năm trước, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, nhiều bất cập về cơ chế, thể chế, chính sách và về phân cấp lại tiếp tục nảy sinh, từ đó cho thấy “chiếc áo cơ chế” đã trở nên quá cũ, quá chật đối với sự lớn mạnh không ngừng của TPHCM. Chẳng hạn trong mối quan hệ giữa các cơ quan trung ương và TPHCM, một số lĩnh vực chưa được xác định rõ ràng, làm phát sinh mâu thuẫn, từ đó khó điều hòa lợi ích giữa trung ương và địa phương. Hệ quả là tạo cơ sở phát sinh cơ chế “xin - cho”, cục bộ địa phương. Thực tế này đặt ra cho trung ương cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho TPHCM (nhất là về ngân sách và có thực quyền hơn về ngân sách) dựa trên nguyên tắc việc gì địa phương làm tốt hơn, sát với thực tế hơn, bảo đảm lợi ích của dân hơn thì giao địa phương làm. Những đòi hỏi cấp bách từ cuộc sống đặt ra cho sự phát triển được thể hiện trong đề án thí điểm chính quyền đô thị mà TPHCM đang hoàn chỉnh, trình Chính phủ vào cuối tháng 9-2013 để Chính phủ trình Quốc hội cho phép tổ chức thí điểm dưới hình thức một nghị quyết của Quốc hội. Với mô hình chính quyền đô thị, trong đó có việc tăng quyền tự chủ, tăng năng lực phục vụ dân cho TPHCM, chắc chắn nhiều bất cập sẽ được giải quyết, tạo điều kiện cho TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, chăm lo đời sống nhân dân tốt hơn và đóng góp cho trung ương được nhiều hơn.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục