Mặc dù Tết Quý Tỵ 2013 được nghỉ dài ngày, song nhiều công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất… ở ĐBSCL đã sớm hoạt động trở lại với quyết tâm tăng tốc ngay từ đầu năm nhằm sớm hoàn thành kế hoạch đề ra.
- Mở rộng quy mô hoạt động
Từ mùng 3 Tết đến nay, hàng trăm công nhân thuộc Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (KCN Sa Đéc - Đồng Tháp) đã chủ động tăng cường sản xuất ngay từ đầu năm mới. Giám đốc DNTN Cỏ May Phạm Văn Bên chia vui: “Năm 2012, là năm mà nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gặp khó khăn. Song, Cỏ May vẫn đứng vững và đạt doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng.
Trước Tết Quý Tỵ, công ty đã khánh thành nhà máy bao bì công suất 15 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư 45 tỷ đồng. Hiện công ty đang gấp rút hoàn thành các công đoạn cuối của nhà máy chế biến thức ăn ở KCN Sông Hậu với công suất 300.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư hơn 180 tỷ đồng; dự kiến đưa vào hoạt động khoảng tháng 4-2013. Mục tiêu của Cỏ May trong năm nay là mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng. Nhiều công nhân đều hăng hái vào ca từ rất sớm”.
Tại Tiền Giang, hơn 2.000 công nhân của Công ty cổ phần Gò Đàng đã có mặt đông đủ sau những ngày nghỉ tết. Không khí lao động đầu năm ở Công ty Gò Đàng khá rôm rả bởi nhiều hợp đồng xuất khẩu vừa được ký kết. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty Gò Đàng tiết lộ: “Khách hàng ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á… đặt mua nghêu ngay đầu năm với giá khá tốt. Sản phẩm nghêu thịt được xuất với giá 4 USD/kg; nghêu nguyên con giá 2 USD/kg… Đây là mức giá đảm bảo cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người nuôi nghêu có lợi nhuận. Vì vậy, Gò Đàng chủ động tăng tốc sản xuất ngay đầu năm, với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 45 triệu USD trong năm 2013”.
Chị Trần Thị Tuyết, ở huyện Bình Đại (Bến Tre) bộc bạch, sau khi cùng gia đình chia vui ba ngày tết thì quay trở lại KCN Mỹ Tho làm việc bình thường. Với mức lương công nhân bình quân từ 5- 7 triệu đồng/người/tháng mà Công ty Gò Đàng đang trả, là mơ ước của nhiều người. Nhờ đó, ai cũng háo hứng đi làm sớm.
Ở Cà Mau, nơi có nhiều nhà máy chế biến tôm xuất khẩu nhất ĐBSCL cũng bắt tay vào sản xuất sớm; có doanh nghiệp ra quân ngay mùng 1 Tết với kỳ vọng gặp may mắn đầu năm. UBND tỉnh Cà Mau cho biết, kế hoạch xuất khẩu tôm 2013 của tỉnh cố gắng đạt mốc 1 tỷ USD. Do đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động sớm, để về đích sớm. Tại An Giang, nhiều doanh nghiệp tất bật sản xuất từ ngày mùng 4 Tết. Nhà máy xi măng An Giang đã chủ động xuất bán 1.500 tấn xi măng vào ngày khai trương, với hy vọng một năm kinh doanh thuận lợi. Kế hoạch của nhà máy là đạt sản lượng hơn 235.000 tấn xi măng trong năm 2013, tăng hơn 15.000 tấn so năm trước.
- Đồng hành cùng doanh nghiệp
Dự báo tình hình kinh tế 2013 vẫn còn khó khăn. Để đạt tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, các tỉnh thành ĐBSCL đều có chung quyết tâm tích cực hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, những ngày tết đã đến thăm hỏi và động viên nhiều doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa trong năm 2013. Dù bức tranh chung vẫn còn khó, song điều đáng mừng là các doanh nghiệp có niềm tin và thể hiện quyết tâm bứt phá; trong đó không ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng qui mô hoạt động. Đồng Tháp cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ hết mình để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả. Chủ trương của tỉnh khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết gắn với nông dân từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến, xuất khẩu. Năm 2012, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở Đồng Tháp đạt gần 18.000ha, với sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Kế hoạch 2013, mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lên từ 23.000- 25.000ha, nhằm nâng cao chất lượng lúa và nâng giá trị hạt gạo.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 12,5% trở lên trong năm 2013, tỉnh sẽ tập trung đầu tư thúc đẩy sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm. Kiên Giang sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tích cực trên nhiều mặt, nhất là lĩnh vực thủy sản và lúa gạo. 2 năm liên tục (2011 và 2012) Kiên Giang dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa với 4,2 triệu tấn. Năm 2013, phấn đấu đạt 4,4 triệu tấn lúa, trong đó 70% là lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây cũng là hướng giúp nông dân giàu lên từ cây lúa.
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL tỏ ra băn khoăn khi sau Tết Quý Tỵ, nhiều nơi trong vùng đồng loạt thu hoạch lúa đông xuân, vụ mùa chủ lực trong năm. Tuy nhiên giá lúa vẫn còn thấp, chỉ 4.300 - 4.600 đồng/kg (lúa tươi) khiến nông dân lo ngại. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần hoạt động sớm để giảm áp lực tiêu thụ lúa của nông dân khi vào thu hoạch rộ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH XNK thương mại Võ Thị Thu Hà cho biết, từ hôm mùng 4 Tết tất cả 6 nhà máy chế biến lúa gạo của công ty đã đồng loạt khởi động. Hiện công ty đang mua gạo nguyên liệu loại 5% tấm với giá 7.050 đồng/kg, vài ngày tới sẽ triển khai thu mua 2.000ha lúa bao tiêu theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” cho nông dân Đồng Tháp. Mục tiêu của công ty là cung ứng và xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong năm 2013.
HUỲNH LỢI - NGUYỄN THANH