Kết thúc quý 1-2013, cùng với nhận định tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiềm chế; giá cả thị trường khá ổn định; GDP tăng cao hơn cùng kỳ năm trước, ước tăng 4,89% nhưng Chính phủ vẫn thấy rõ nền kinh tế còn những khó khăn, thách thức. Trong đó nổi lên khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến và chế tạo gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Việc thực hiện tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết. Tất cả những yếu tố này đều có nguy cơ trở thành vật cản cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 mà Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra.
Trong bối cảnh hiện nay, theo ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ, cần tiếp tục kiên định việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì đà phục hồi tăng trưởng… Vì đây là những điều kiện tiên quyết để nền kinh tế phát triển vững chắc. Các nghị quyết của Chính phủ cũng đã đề ra những giải pháp đồng bộ để đạt tới mục tiêu này. Thế nhưng, soi rọi trong điều kiện hiện nay, không ít các chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo ngại sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, đi liền với đó là hàng loạt các hệ lụy xấu mà người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu: thất nghiệp tăng, doanh nghiệp tiếp tục phá sản, thu nhập của người dân giảm sút…
TS Cao Sĩ Kiêm bình luận, các yếu tố để tăng trưởng hiện nay rất khó khăn do mức đầu tư quá ít. Hệ thống ngân hàng tín dụng tăng trưởng chỉ 0,03%, trong khi đó cả công nghiệp, nông nghiệp tăng trưởng đều giảm sút. Các giải pháp của Chính phủ về giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu... được đánh giá là triển khai quá chậm, vì thế tác động không rõ ràng. Với đà này, theo nhiều chuyên gia, các giải pháp của Chính phủ nếu triển khai một cách mạnh mẽ, hiệu quả cao mới có thể tạo thành yếu tố mới cho tăng trưởng, còn không phải đợi đến tận cuối năm may ra mới có chuyển biến. Nhiều dự đoán cũng cho rằng, quý 2, quý 3 kinh tế tiếp tục ở đà phục hồi chậm và quý 4-2013 mới có chuyển biến rõ nét. Chính phủ vẫn khẳng định kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng ở mức 5,5% của năm 2013, giữ lạm phát thấp hơn năm 2012. Tuy nhiên, một số tổ chức quốc tế cho rằng, năm 2013, Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng ở mức 5,2%.
Trong khi đó, nhìn lại quý 1-2013, tăng trưởng đạt được là nhờ vào dịch vụ, xuất khẩu, tức kết quả tích cực đạt được chưa căn cơ, chưa vững chắc, trong khi đó sản xuất mới là cái căn cơ, vững chắc đối với nền kinh tế. Bởi vậy, để có được nền tảng vững chắc cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm, các giải pháp của Chính phủ phải được chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, triển khai mạnh mẽ, cụ thể hóa hơn nữa, nhất là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Theo TS Cao Sĩ Kiêm, việc bảo đảm kỷ cương trong thực hiện các giải pháp là hết sức quan trọng, vì sức mạnh tổng hợp chỉ có thể được huy động khi có sự thống nhất cao và tôn trọng bộ máy điều hành.
Một tín hiệu tốt trong bối cảnh hiện nay là vừa qua Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng tại kỳ họp thứ 5, đồng thời cho áp dụng một số quy định mới ngay từ ngày 1-7-2013. Đây có thể là một trong nhiều động thái để tạo lòng tin, khí thế mới cho doanh nghiệp tiếp tục vượt khó. Tuy nhiên, giải pháp về thuế mới chỉ dừng ở liệu pháp tinh thần là chính vì mức thuế được giảm còn khiêm tốn, đối tượng áp dụng không nhiều.
Để tác động một cách toàn cục đòi hỏi các giải pháp của Chính phủ phải sớm được cụ thể hóa mạnh mẽ và bao trùm hơn, trong đó cần tiếp tục hạ lãi suất tín dụng, rà soát các quy định, đơn giản các điều kiện vay vốn đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Mặt khác, công tác điều hành của Chính phủ hơn bao giờ hết cần thể hiện sự chắc chắn, linh hoạt nhưng thận trọng, đi liền với công khai, minh bạch, không để nhân dân hoài nghi, đơn cử như việc điều hành thị trường vàng hiện nay.
LÂM NGUYÊN