(SGGP). – Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, hôm qua 12-12, hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã nghe giới thiệu và quán triệt Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; những nội dung cơ bản và mới của bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn hẹp, nhờ truyền thống hiếu học, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu ra mục tiêu tổng quát của nghị quyết là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa… Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Giới thiệu những nội dung cơ bản và mới của bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến xác đáng của nhân dân, của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Hiến pháp đã kết tinh được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, thể hiện được ý Đảng, lòng dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị; thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
TRẦN LƯU