Có mặt lần đầu tiên vào năm 1994 (siêu thị Citimart Nguyễn Văn Cừ, TPHCM), đến cuối năm 2011, theo Bộ Công thương, cả nước đã có 638 siêu thị tại 59/63 tỉnh, thành phố và 117 trung tâm thương mại tại 32/63 tỉnh thành phố. Số lượng siêu thị thành lập mới 5 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO tăng hơn 20%, tương tự số lượng trung tâm thương mại thành lập mới tăng hơn 72%.
Tuy nhiên, nếu đặt cạnh những tên tuổi lớn trên thế giới trong lĩnh vực phân phối đang có mặt tại Việt Nam và quy mô hoạt động của họ, những Metro (Đức), BigC (Pháp), Parkson (Malaysia), Lotte (Pháp),... thì hệ thống bán lẻ, siêu thị của Việt Nam như Fivimax, Hapro (Tổng Công ty Thương mại Hà Nội)... thật nhỏ bé. Và, cũng như nhiều năm trước, thị trường bán lẻ được đánh giá là 100 tỷ USD trong năm 2012, luôn thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia. Hiện nay, các đại gia bán lẻ của thế giới như Walmart, Carrefour, Tesco... cũng đang dòm ngó thị trường bán lẻ Việt Nam để tìm cách nhảy vào khai thác.
Sự lép vế này không phải bây giờ mới nhận ra mà ngay từ khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO cách đây 5 năm, nhiều cảnh báo đã được đưa ra và khuyến nghị cần phải có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhưng đến nay, tình hình hầu như không có sự thay đổi. Trong cuộc làm việc mới đây với Bộ Công thương, đại diện hiệp hội cùng các doanh nghiệp một lần nữa nhấn mạnh, để có được hệ thống phân phối, bán lẻ trong nước tốt thì cần phải có cơ chế khuyến khích, nhất là về đất đai, mặt bằng để hỗ trợ. Bởi lâu nay, có một thực tế là các doanh nghiệp trong nước khi muốn triển khai hệ thống phân phối, bán lẻ ở các tỉnh gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với đất đai, mặt bằng.
Trong khi đó, do thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều địa phương còn ưu tiên mặt bằng cho các doanh nghiệp nước ngoài hơn doanh nghiệp trong nước. Câu chuyện về ngành bán lẻ là một minh chứng rõ nhất cho việc hiện nay Nhà nước vẫn còn thiếu nhiều cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn chiếm đa số, phát triển, trong khi đó lại có quá nhiều những ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài.
Trong báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2011 vừa được công bố, nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2011, do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký (số doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh đạt 77.548 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt trên 513.000 tỷ đồng, giảm khoảng 13% về số doanh nghiệp đăng ký mới và giảm 5,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2010). Tính cả năm 2011, số doanh nghiệp giải thể là 7.611 doanh nghiệp.
Năm 2012, nền kinh tế vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn và đáng lo ngại là theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2011, môi trường pháp lý và điều hành kinh tế vĩ mô không được các doanh nghiệp đánh giá cao. Và, dù ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong nâng cao chất lượng chính sách và hiệu lực điều hành nhưng các doanh nghiệp cho rằng vẫn “chưa đem lại tác động cần thiết”.
Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt để giúp ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp trong nước tồn tại và phát triển trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ việc hội nhập, Nhà nước cần có các chính sách giảm thuế và giảm thiểu các chi phí, tổn thất cho doanh nghiệp trong quá trình tham gia và rút khỏi thị trường; thắt chặt hơn nữa đầu tư công và điều hòa một phần nguồn vốn đầu tư công cho đầu tư của các khu vực và mục tiêu kinh tế khác; phát triển thị trường vốn một cách lành mạnh hơn, trong đó, nên chăng áp dụng trần lãi suất cho vay để giúp các doanh nghiệp không bị xử ép và chạy đua “đấu giá” chịu vay lãi suất cao khi tiếp cận nguồn tín dụng;...
Bên cạnh những kiến nghị trên, nhiều doanh nghiệp còn nhấn mạnh, Chính phủ cần đặt mục tiêu ưu tiên là kiểm soát tham nhũng. Bởi nếu thực hiện tốt ưu tiên này cũng đồng nghĩa tính công khai, minh bạch sẽ được cải thiện. Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục tạo sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, không phân biệt thành phần sở hữu; cải thiện thủ tục để tiếp cận đất đai dễ dàng hơn. Ở góc độ của mình, bản thân các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm để có thể tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngọc Quang