Tạo điều kiện cho doanh nghiệp... phá sản

Ngày 9-9, phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. Trong phiên họp này, một dự án khá quan trọng là Luật Phá sản (sửa đổi) sẽ được trình UBTVQH xem xét. Đây là thông tin được nhiều người chờ đợi, bởi những bất cập của Luật Phá sản hiện hành đang để lại nhiều hệ lụy đáng suy nghĩ.

Kết quả rà soát mới đây của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến hết năm 2012 cả nước có gần 93.000 doanh nghiệp (DN) không thể xác minh được (trong đó, 60.454 DN được xác định là đã bỏ trốn hoặc mất tích). Con số này cũng đã tiếp tục tăng lên khá nhanh trong năm 2013. Khoan hãy nói về lý do vì sao DN phải ngừng hoạt động, nhưng trong một thể chế kinh tế theo hướng thị trường mà DN khó thực hiện được quyền được giải thể, phá sản là điều cần phải suy nghĩ. Pháp luật hiện hành đã có những quy định làm nền tảng cho việc DN rút lui khỏi thị trường một cách có trật tự, lành mạnh.

Đó là các quy định về thủ tục giải thể và phá sản DN thể hiện chủ yếu trong Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Phá sản năm 2004 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, các quy định này sau một thời gian thực hiện đã nảy sinh một số bất cập. Chính vì thế, dù phải ngừng hoạt động nhưng có rất ít DN nộp đơn xin phá sản theo luật. Những DN này sau đó được xác định là “bỏ trốn hoặc mất tích”, theo lời của một số chuyên gia kinh tế đó là “đã chết nhưng không được chôn”.

Theo phản ánh của nhiều DN, các quy định về phá sản DN của Luật Phá sản quá phức tạp, quy trình thủ tục giải thể DN theo Luật DN cũng vô cùng nhiêu khê. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến DN ngại đăng ký phá sản là do Luật Phá sản coi những người điều hành DN bị phá sản giống như những “tội phạm” kinh tế. Theo quy định của luật, chủ DN bị phá sản và những người quản lý DN đó sẽ bị tòa án ra quyết định không được quyền thành lập cũng như cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý DN từ 1 - 3 năm, kể từ ngày DN bị tuyên bố phá sản. Để giải quyết những điểm nghẽn đang ngăn cản quyền “được chết” một cách chính đáng của DN, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật cũng như công tác thực thi pháp luật về giải thể, phá sản DN, để những DN không còn đủ sức tiếp tục kinh doanh nữa có thể được “giải thoát” một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Trước hết, Luật Phá sản cần được sửa đổi theo hướng coi phá sản là hiện tượng kinh tế khách quan trong nền kinh tế thị trường. Luật Phá sản là sự can thiệp có ý thức của nhà nước vào hiện tượng này, nhằm hạn chế tối đa những hậu quả tiêu cực và khai thác những mặt tích cực. Cơ quan chức năng cần sớm rà soát lại tình hình thực tế để điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tiễn, đơn giản về thủ tục pháp lý và đảm bảo sự thống nhất giữa pháp luật về phá sản với các bộ luật khác. Luật không nên coi những người điều hành DN bị phá sản giống như “tội phạm” kinh tế mặc dù họ cũng có một phần trách nhiệm trong việc điều hành để DN rơi vào tình trạng phá sản. Xét cho cùng, việc cho phép thành lập ồ ạt các DN mà không kiểm tra kỹ các điều kiện đảm bảo để DN có thể tồn tại và phát triển, một phần cũng thuộc về trách nhiệm của cơ quan cho phép thành lập DN. Bên cạnh đó, nhà nước cũng nên có chính sách khuyến khích các công ty luật, các công ty tư vấn tài chính tham gia tích cực hơn vào quá trình phục hồi DN hoặc làm thủ tục phá sản DN.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục