Từ đó, TPHCM thiết kế, xây dựng các giải pháp tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu.
Chưa đột phá vào các ngành chủ lực
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh cho biết, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 585.635 tỷ đồng, tăng 7,86% (cùng kỳ tăng 7,76%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh là 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và thế mạnh. Cùng với đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục đầu tư, mở rộng thị trường tạo ra mức tăng 9,55% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung toàn ngành. Đặc biệt, ngành điện tử - công nghệ thông tin tăng 10,15% so với cùng kỳ. Song, tính chung trong 6 tháng đầu năm, công nghiệp chỉ tăng khoảng 7,11%, trong khi cùng kỳ tăng đến 7,51%.
Hoạt động tụ tập đông người tác động đến thu hút đầu tư
Theo nhận định của ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH-ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2018 hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, các hoạt động lôi kéo tụ tập đông người, có hành động chống phá, gây mất trật tự an toàn xã hội ít nhiều tác động ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư.
Về nội dung này, tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra cùng ngày, Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP, cho biết thời gian qua đã xảy ra hoạt động gây rối an ninh trật tự trên địa bàn TP khi một số đối tượng lợi dụng dư luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng có hành vi chống phá, gây rối.
Cụ thể, các đối tượng này kích động, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích cho lực lượng công an đang làm nhiệm vụ. Đến nay, Công an TP đã khởi tố 1 vụ (3 đối tượng) chống người thi hành công vụ; 1 vụ (4 đối tượng) cố ý làm hư hỏng tài sản, 1 vụ (1 đối tượng) gây rối trật tự công cộng và 1 vụ (1 đối tượng) phá rối an ninh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Sử Ngọc Anh, vốn tập trung vào đầu tư phát triển còn thấp, số dự án đầu tư nước ngoài tuy tăng nhưng quy mô đầu tư còn nhỏ (trung bình chỉ khoảng 1 triệu USD/dự án). Tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm còn xảy ra, vì lợi nhuận nên các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cả cho người tiêu dùng và nhà sản xuất. Các vấn đề về quản lý đô thị như ngập nước, ùn tắc giao thông dù được quan tâm, triển khai đầu tư nhiều dự án trung và dài hạn nhưng vẫn gây áp lực lớn, đòi hỏi cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập, giảm kẹt xe, đồng thời nghiên cứu thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết có hiệu quả thiết thực hơn.
Trước kết quả phát triển của các ngành công nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận xét, TP là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước nhưng thời gian qua, công nghiệp giảm sút. TP trông cậy nhiều vào 4 ngành công nghiệp chủ lực nhưng cả 4 ngành này chưa có điểm nhấn, đột phá nào. “Các ngành chế biến, chế tạo và khai khoáng (trong 4 ngành công nghiệp chủ yếu) của cả nước tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm”, đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng và nêu rõ ở TP thì lại sụt giảm. Riêng ngành công nghệ thông tin, điện tử của TP thời gian qua có mức tăng rất cao. Tuy nhiên, ngành này có quy mô nhỏ nên dù tăng trưởng có mạnh cũng khó có thể thúc đẩy được sự phát triển của toàn ngành công nghiệp TP. Vì vậy, người đứng đầu chính quyền TPHCM yêu cầu Giám đốc Sở Công thương phân tích nguyên nhân cùng giải pháp đột phá đối với ngành công nghiệp trong 6 tháng cuối năm.
Trước yêu cầu trên, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương, phân tích ngành cơ khí phát triển nhưng tính liên kết không cao và gặp khó khăn về nguồn công nhân lành nghề. Tới đây, Sở Công thương sẽ phối hợp với các trường tổ chức đào tạo nguồn lao động có tay nghề cung ứng cho các doanh nghiệp cơ khí. Đồng thời, sở cũng sẽ trình UBND TP giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực đối với ngành này. Cùng với đó, ông Kiên khẳng định sẽ tổ chức kết nối để các doanh nghiệp Việt Nam cung ứng, tham gia vào chuỗi của các doanh nghiệp FDI.
Giám đốc Sở Công thương cũng phân trần, các doanh nghiệp của TP chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc đầu tư, mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Hiện Sở Công thương đã làm việc với một số doanh nghiệp cơ khí (tổng số 18.000 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 1,74% doanh nghiệp lớn) để đề xuất chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn nhằm hình thành các doanh nghiệp chủ lực, tạo ra sản phẩm đầu - cuối có lợi thế cạnh tranh.
Xem xét lại rào cản từ môi trường đầu tư
Chưa hài lòng với các giải pháp, người đứng đầu chính quyền TPHCM yêu cầu các sở - ngành đặc biệt quan tâm đến các giải pháp thúc đẩy các ngành công nghiệp TP phát triển. Song song đó, chủ tịch UBND các quận - huyện phải nắm được trên địa bàn có những ngành gì, sản phẩm công nghiệp nào nổi bật. “Là chủ tịch UBND quận - huyện mà hỏi ngành nào, sản phẩm công nghiệp nào nổi bật nhưng trả lời lơ mơ là không được”, đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý và phân tích ở mỗi địa phương có sự khác nhau về các ngành công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp. Chính vì vậy, các quận - huyện phải nắm được cụ thể, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo đúng định hướng, ưu tiên đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, chú trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời phấn đấu đến cuối năm 2018, TP phát triển thêm một khu công nghiệp với những hoạt động và ứng dụng phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Chế biến thực phẩm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM
Ảnh: CAO THĂNG
Ảnh: CAO THĂNG
Liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đồng chí Nguyễn Thành Phong phân tích, trong 6 tháng đầu năm nay, bình quân số vốn đăng ký ở TP chỉ 1 triệu USD/dự án. Đây là mức thấp, khó có thể tạo ra được cú hích đối với sự phát triển của TP. “Điều này đặt ra đòi hỏi chúng ta phải xem lại môi trường đầu tư hay còn những trục trặc nào khác?”, đồng chí Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nhận xét, TPHCM được nhiều tổ chức xếp hạng là TP năng động nhưng việc xây dựng, hình thành các sản phẩm, thương hiệu nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu rất chậm chạp. Do đó, TP phải nhanh chóng xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu. Đặc biệt, trong điều kiện cạnh tranh hiện nay, chất lượng sản phẩm cần gắn với thương hiệu. Điều đó chỉ có thể dựa trên nền tảng đổi mới và sáng tạo.
TPHCM thông tin về dự án dân cư ở sân bay Tân Sơn Nhất
Tại cuộc họp báo định kỳ của UBND TPHCM diễn ra ngày 3-7, các cơ quan chức năng của TP đã thông tin về dự án khu dân cư gia đình quân nhân tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (đường Tân Sơn, phường 15, quận Tân Bình). Theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đây là dự án khu dân cư gia đình quân nhân của Sư đoàn 367 và 370, thực hiện trên diện tích gần 6ha. Dự án đã được UBND TP công nhận chủ đầu tư vào tháng 11-2015 và chấp thuận đầu tư vào tháng 2-2017. Tuy nhiên, hiện nay dự án vẫn chưa được cấp phép xây dựng và chưa được phép bán nhà hình thành trong tương lai.
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, năm 2011, Bộ Quốc phòng đã có chủ trương cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân làm việc với các cơ quan của TP để chuyển 8.100m2 đất quốc phòng sang nhà ở quân đội. Trách nhiệm của TP là rà soát theo quy hoạch, mục đích sử dụng đất thực hiện các chủ trương pháp lý về đất đai. Tuy nhiên, về thông tin cụ thể, Sở TN-MT sẽ hệ thống lại để trả lời các cơ quan báo chí.
Chủ trì buổi họp báo, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan giải thích thêm, đây là đất quân đội, nằm trong khuôn viên sân bay, thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Chính quyền TPHCM chỉ quản lý về mặt quy hoạch và nếu có thì thêm phần tư vấn thẩm định giá hỗ trợ cho các cơ quan Trung ương. Những vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện là trách nhiệm các cơ quan của Bộ Quốc phòng. Ông Hoan cũng đề nghị Sở TN-MT, Sở Xây dựng rà soát, báo cáo lại UBND TP để thông tin chính xác đến các cơ quan báo chí.
Cũng tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm khẳng định, sự cố lún mặt đường tại nút giao Mỹ Thủy (quận 2) không phải do thiết kế, cũng không có tiêu cực trong thi công. Nơi lún là đường tạm, được xử lý trước mắt để thông xe tạm. Khi hoàn chỉnh, nơi đây sẽ được hoàn chỉnh kết cấu áo đường theo thiết kế với độ cao hơn 1m so với hiện nay. Riêng về sự cố sạt lở hơn 100m bờ kè tại công trình chống sạt lở đang thi công ở huyện Cần Giờ, ông Lâm cho biết đây là sự cố công trình, phải tiến hành điều tra nguyên nhân, xử lý sự cố. Hiện chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá nguyên nhân sự cố, xác định trách nhiệm của nhà thầu, thiết kế hay thi công cũng như phương án giải quyết sự cố.