Không cào bằng trong đãi ngộ
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến cuối năm học 2021-2022, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc ở cả hai hệ thống công lập và ngoài công lập, được xem là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức, chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp cả nước. Ngoài ra, có hơn 900.000 nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn đóng góp nhiều mức độ khác nhau cho ngành giáo dục; gần 115.000 giáo sinh đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước. Dù chiếm tỷ trọng cao về biên chế nhưng cơ cấu đội ngũ đang mất cân đối nghiêm trọng do tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, thiếu chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, quy định về thu nhập chưa tạo động lực cho các thầy cô giáo gắn bó với nghề.
Học sinh khối 12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM) trong tiết học môn Ngữ văn |
Từ thực tế đó, dự thảo Luật Nhà giáo quy định một số nội dung mới, như: các trường hợp xem xét đặc biệt trong tuyển dụng; quy định thuyên chuyển công tác phù hợp đặc thù riêng của ngành giáo dục; các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh và khen thưởng giáo viên; quy định về trợ cấp nhà ở, trợ cấp y tế, trợ cấp hưu trí… Đặc biệt, các chính sách được xây dựng hướng đến mục tiêu “làm nhiều nhận đãi ngộ nhiều”, “có chế độ ưu tiên đối với người đạt thành tích xuất sắc”, xóa bỏ tư tưởng cào bằng về đãi ngộ là một trong những thay đổi quan trọng nhằm động viên tinh thần đội ngũ nhà giáo, qua đó phát huy hiệu quả công việc, đảm bảo công bằng và thực chất.
Song song đó, tại tờ trình xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, Bộ GD-ĐT đề xuất phụ cấp ưu đãi cao nhất 100% đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, xã đảo, biên giới và phụ cấp ưu đãi 70% đối với cơ sở giáo dục mầm non công lập. Ở bậc tiểu học, phụ cấp ưu đãi được đề xuất 50% đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, xã đảo, biên giới và 35% đối với khu vực còn lại. Đối với các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, phụ cấp ưu đãi được đề xuất 35% ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, xã đảo, biên giới và 30% đối với khu vực còn lại.
Riêng nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường sư phạm, khoa sư phạm, trường cán bộ quản lý giáo dục, dạy môn chính trị trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đề xuất phụ cấp ưu đãi 40%.
Đổi mới quản trị trường học
Ngoài chính sách tiền lương, theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) Vũ Minh Đức, để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, cần giảm bớt áp lực công việc cho nhà giáo. “Hiện nay, ngoài nhiệm vụ dạy học, thầy cô giáo phải tham gia quá nhiều hoạt động, làm nhiều giấy tờ, sổ sách ở trường học”, ông Vũ Minh Đức nêu thực tế.
Ở góc độ khác, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng: “Giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục. Vậy cái gì quyết định chất lượng giáo viên? Tôi cho rằng hiệu quả công việc được tính bằng tích của 3 thừa số, gồm biết làm, có điều kiện làm và có động lực làm. Chỉ cần một trong 3 thừa số bằng 0 thì tích sẽ bằng 0. Do đó, đổi mới quản lý trường học là một trong những yếu tố then chốt nâng cao chất lượng dạy học”. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, ngoài tập huấn cho giáo viên, cần tăng cường tập huấn cho hiệu trưởng, lãnh đạo các sở GD-ĐT.
Đối với giáo viên dạy các khối lớp triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay, trước đây giáo viên dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình cũ được nhận thêm thu nhập từ kinh phí dạy học buổi 2. Tuy nhiên, khi triển khai chương trình mới, dạy học 2 buổi/ngày trở thành yêu cầu bắt buộc nên không có thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Do đó, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất Bộ GD-ĐT quy định cụ thể số buổi học tối thiểu của chương trình dạy học 2 buổi/ngày để làm cơ sở cho các trường tính toán số buổi học còn lại triển khai chương trình nhà trường, qua đó tăng thêm thu nhập cho giáo viên.
Từ thực tế trong công tác dạy học, cô Trần Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1, TPHCM), cho biết, hiện nay trường học tập trung các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, tuy nhiên giáo viên cũng là một trong những đối tượng cần chăm sóc. Giải thích rõ hơn điều này, TS Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, TPHCM, nêu ý kiến, thầy cô giáo cảm thấy thoải mái, hạnh phúc mới truyền được năng lượng tích cực cho học sinh. “Chúng ta nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc với 3 tiêu chí: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, đối tượng hướng đến không chỉ có học sinh mà cả cán bộ quản lý, giáo viên với nhu cầu được làm việc trong môi trường thoải mái, giải tỏa áp lực, phát huy quyền tự chủ và sáng tạo”, TS Phạm Đăng Khoa bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo là một trong những giải pháp căn cơ nhằm giảm thiểu tình trạng giáo viên xin nghỉ việc. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là các nhà trường cần quan tâm, hỗ trợ giáo viên gặp khó khăn trong công tác, không để thầy cô nào cảm thấy cô đơn khi “ra trận”.