Bỏ lại những đau thương mất mát chìm tàu, tai nạn trên biển trong mùa biển động năm 2012, ngư dân mọi miền đất nước đang có cơ sở để hy vọng lớn hơn về một mùa cá mới bội thu.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2012 cũng được đánh giá là năm mà tình hình khai thác hải sản tiếp tục gặp một số khó khăn, ảnh hưởng đến sản lượng và hiệu quả sản xuất. Có 9 cơn bão cùng 6 đợt áp thấp nhiệt đới tác động, thêm vào đó giá dầu liên tục biến động tăng, thiếu lao động nghề cá, công tác dự báo ngư trường khai thác hải sản chưa được triển khai tốt, tổn thất sau thu hoạch trong khai thác còn ở mức cao… đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng. Mặc dù vậy, sản lượng khai thác hải sản vẫn đạt 2,6 triệu tấn, tăng 10,6% so với năm 2011, trong đó riêng sản lượng cá ngừ đại dương khai thác tại 3 tỉnh trọng điểm miền Trung là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều cao hơn năm 2011, ước đạt trên 19.000 tấn. Đối với ngư dân cả nước, năm 2012 được xem là được mùa, thời tiết thuận lợi hơn so với nhiều năm trước.
Những vấn nạn hiểm nguy trên biển đối với ngư dân thời gian gần đây đã làm toàn xã hội quan tâm. Quỹ hỗ trợ ngư dân lần lượt ra đời tại các tỉnh, thành. Đặc biệt, các hoạt động hỗ trợ phương tiện an toàn cho ngư dân được sự quan tâm nhiều hơn từ các chương trình của chính phủ, của các tổ chức phi chính phủ, của xã hội. Bao gồm trang bị cho tàu đánh bắt xa bờ các phương tiện thông tin, y tế, máy định vị luồng cá... Một số mô hình liên kết đánh bắt, cung ứng hậu cần, hỗ trợ tiêu thụ... đang tiếp tục phát huy hiệu quả. Chính phủ và từng địa phương đã hình thành các chương trình cụ thể hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng tàu mới, thử nghiệm đóng tàu sắt để hành nghề đánh bắt, trang bị đồng bộ cho tàu ra khơi an toàn... Tất cả tạo nguồn động lực mới cho ngư dân yên tâm bám biển.
Những tín hiệu lạc quan từ các làng cá cả nước chuẩn bị mùa đánh bắt mới năm 2013 cho thấy tiềm năng phát triển nghề đánh bắt xa bờ là rất lớn. Hiện nay, số lượng tàu cá hoạt động khai thác xa bờ chiếm 20,8% tổng số tàu cá (tương ứng 26.000 tàu). Nhiều hộ ngư dân mạnh dạn bỏ ra nhiều tỷ đồng, vay thêm của các quỹ hỗ trợ hàng tỷ đồng để đóng mới tàu có công suất trên 800CV. Tỷ lệ tàu công suất lớn trên 120CV chiếm đa số trong tổng số tàu đánh bắt xa bờ. Đó là thành quả lớn, sự nỗ lực miệt mài của ngư dân Việt Nam.
Ngoài ra, gần 50% sản lượng thủy sản từ đánh bắt, mức tăng trưởng (10,6%) cao hơn rất nhiều mức tăng trưởng sản lượng thủy sản nuôi trồng (chỉ khoảng 6,4%) trong năm 2012; giá trị xuất khẩu lẫn tiêu dùng luôn cao hơn sản phẩm nuôi trồng cùng khối lượng... là những con số ý nghĩa đối với ngành kinh tế thủy sản đánh bắt.
Thế nhưng, đầu tư cho đánh bắt hải sản chưa tương xứng với hiệu quả mà nó mang lại. Thực vậy, xương sống của kinh tế hải sản đánh bắt chính là phương tiện. Lời giải cho những đội tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn, trang bị hiện đại, sánh với tầm mức của các nước khu vực châu Á vẫn còn bỏ ngỏ. Chiến lược đầu tư, hỗ trợ phương tiện xa bờ từ nhà nước gần 20 năm qua gần như không phát huy hiệu quả. Việt Nam đến nay, đánh bắt hải sản vẫn chỉ là sự đầu tư của gia đình ngư dân; chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đạt mức công suất 3.000CV (tương đương 4 tàu đánh bắt hải sản công suất 800CV); càng không có tập đoàn đánh bắt hải sản nào khả dĩ so sánh với nhiều nước lân cận. Một mô hình đánh bắt - hậu cần - chế biến hải sản khép kín trên biển không còn là ước mơ xa vời đối với nghề cá Việt Nam chăng!
TRẦN KHA