Tạo môi trường an toàn cho trẻ em

Hôm nay, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, đáng ra phải kể những chuyện vui về chăm sóc thiếu niên, nhi đồng, về những giấc mơ bay bổng của các em trong thế giới thần tiên đầy sắc màu, mà ở đó không có chiến tranh, bạo lực và bạo hành. Vậy mà ngày này, lại phải nói về một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em - chủ đề của Tháng hành động Vì trẻ em năm 2012 diễn ra từ ngày 1 đến 30-6.

Nói về chủ đề này, tất cả chúng ta chỉ với một mong muốn toàn xã hội cùng chung tay, chung sức, chung lòng bảo vệ trẻ em, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

Ở TPHCM, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được chính quyền các cấp và các tổ chức quan tâm khá chu đáo, đầu tư khá hiệu quả về mọi mặt theo phương châm “dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất”, nhờ đó cuộc sống và các quyền của trẻ em ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và có tính chất nghiêm trọng mà chưa được ngăn chặn kịp thời.

Những con số nhói lòng, báo động về sự băng hoại đạo đức, sự biến đổi các giá trị sống, lối sống - nó đang mỗi lúc trở nên thực dụng hơn lên. Trong môi trường biến dạng và nhiều tha hóa đó, các em là nạn nhân của một bộ phận người lớn quá coi trọng đồng tiền, kém hiểu biết. Nhiều lúc, sự thờ ơ, vô trách nhiệm của một bộ phận gia đình và sự thiếu quan tâm chu đáo của nhiều cấp chính quyền, của các cơ quan chức năng đã lên đỉnh điểm. Trong khi đó, các dịch vụ xã hội, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của xã hội; còn thiếu những quy định chế tài xử phạt, hoặc xử phạt không tương xứng với hành vi bạo lực, bạo hành và xâm hại tình dục.

Chính vì vậy, Tháng hành động Vì trẻ em năm 2012 có tiêu đề “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” cũng là để tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm sóc trẻ em; thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực, tự tin, tăng cường sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động của gia đình, nhà trường và xã hội. Ba môi trường giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội cần nêu cao trách nhiệm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các em. Trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, gia đình giữ vai trò chủ động. Gia đình - nhà trường - xã hội cần tăng cường trao đổi thông tin về tình hình học tập, tu dưỡng đạo đức của các em.

Những thế hệ mầm non của đất nước, khi được chăm sóc và bảo vệ tốt sẽ trưởng thành cứng cáp, phát triển tiềm năng trí tuệ, giàu óc sáng tạo, biết vượt khó vươn lên, biết sống nhân ái, thủy chung và yêu thương lẫn nhau. Nhân Tháng hành động Vì trẻ em, các ngành, các cấp và địa phương cần huy động hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để chăm lo các em, như xây dựng những chương trình, công trình phục vụ và chăm sóc các em, xây thêm những công trình vui chơi; tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em rơi hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ nhiều hơn cho các “nhà mở”, trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ lang thang, bị lạm dụng...

Đây cũng là dịp để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí an toàn, lành mạnh, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho trẻ em trong dịp hè và tăng cường sự tham gia tích cực, chủ động của trẻ em. Quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng cũng là quan tâm đến việc chăm sóc, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, thể lực, rèn luyện đạo đức cho các em trong sự nghiệp trồng người, vì lợi ích lâu dài của đất nước.

Trẻ em - nguồn hạnh phúc của gia đình, tương lai của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần được ưu tiên bảo vệ, chăm sóc và giáo dục chu đáo. Đó không chỉ là trách nhiệm của toàn xã hội mà còn là mệnh lệnh của trái tim, là đạo lý trong mỗi người chúng ta.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục