Đánh giá công tác chuẩn bị của ngành thiết kế vi mạch Việt Nam, đại diện Tập đoàn Thiết kế vi mạch nổi tiếng Synopsys (Singapore), bày tỏ sự ngạc nhiên: “Chỉ sau 5 năm, Việt Nam đã có thể thiết kế tới 5 con chip vi xử lý, từ 8 bit tới 32 bit. Đặc biệt, trong khu vực Đông Nam Á có rất ít trường đại học có khả năng thiết kế chip vi xử lý như ĐH Quốc gia TPHCM”.
Từ những ngày đầu thành lập, các chuyên gia Trung tâm Thiết kế vi mạch ICDREC (ĐH Quốc gia TPHCM) đã nghiên cứu, mổ xẻ các bản thiết kế của các đối tác nước ngoài như Synopsys, Analog Devices, để gần 3 năm sau (tháng 1-2008) cho ra đời con chip SigmaK3 “made in Viet Nam” đầu tiên. Sau đó là chip VN8-01 (tháng 11-2009) với 100% do người Việt Nam thiết kế, 5 năm sau là chip 32 bit (tháng 10-2010), đạt trình độ trung bình khá của thế giới. Có được những tín hiệu khả quan từ những bước thử nghiệm ban đầu, ICDREC bắt đầu hướng tới việc tìm kiếm, đào tạo nguồn nhân lực.
Tuy nhiên thực tế, Việt Nam mới chỉ đào tạo kỹ sư kỹ thuật điện tử, điện tử - viễn thông, mà chương trình học, theo đánh giá của các chuyên gia thiết kế vi mạch còn chưa đáp ứng được các yêu cầu về đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch trong tình hình mới. Theo thạc sĩ Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, hiện ICDREC và các đối tác như Synopsys, Analog Devices… đang “khát” nhân lực nhưng mới chỉ có thể kiếm tài năng qua các cuộc thi thiết kế vi mạch (được tổ chức từ năm 2010 trên cả nước)… Do vậy, tháng 5-2011 ICDREC và ĐH Bách khoa TPHCM quyết định tổ chức chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện tử, dành cho khoảng 20 học viên. Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng khẳng định: Ngoài những lý do rất khách quan, các em chắc chắn có việc làm tốt khi ra trường.
Hiện tại, ngành công nghiệp thiết kế vi mạch của Việt Nam đang được ưu tiên phát triển, được Thủ tướng phê duyệt đứng số 1 trong danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển (Quyết định 49, 19-7-2010). Đến đầu tháng 11-2010 vừa qua, UBND TPHCM đã chấp thuận về chủ trương cho Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn lập dự án đầu tư nhà máy sản xuất chip điện tử tại Việt Nam. Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi để các bản thiết kế vi mạch của Việt Nam có thể được sản xuất ngay trong nước. Khi đó, nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng sẽ là điều kiện đủ. Thậm chí, khi chưa có nhà máy sản xuất chip, mỗi năm, các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam như Renesas, Applied Micro, Amcc, Samsung Vina… đều cần trên dưới 400 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch.
Nói về chương trình đào tạo đầu tiên do hệ thống đại học Việt Nam tự xây dựng này, PGS-TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho rằng, chương trình được tổ chức nhằm lựa chọn, bồi dưỡng những sinh viên ưu tú nhất, tạo nguồn nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch Việt Nam trên đường phát triển. Sau khi đánh giá được chính xác nhu cầu thị trường, khả năng phát triển ngành, ĐH Bách khoa có thể mở rộng quy mô, xin phép mở ngành đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch.
KIÊN GIANG