(SGGP).- Chiều 7-3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Gyan Chandra Acharya, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) phụ trách về các nước đang phát triển không có biển; bà Shamshad Akhtar, Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký điều hành Ủy ban kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương; ông Hongbu Wu, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế - xã hội nhân dịp các Phó Tổng Thư ký LHQ đến Hà Nội dự hội nghị cấp cao khu vực Á - Âu về tăng cường hợp tác về thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững do Chính phủ Việt Nam và LHQ đồng tổ chức, từ ngày 7 đến 9-3.
Chào mừng các Phó Tổng Thư ký LHQ đến Việt Nam dự hội nghị và bày tỏ tin tưởng hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là một nước trung chuyển và đang phát triển, Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng, nhất là Lào, một nước không có biển, để kết nối hệ thống giao thông và thương mại thông suốt tại khu vực Mê Công, đang tích cực phát triển các tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế phía Nam, xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, qua đó góp phần tăng cường kết nối trong ASEAN và thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực.
Thủ tướng đề nghị LHQ tích cực hỗ trợ các chương trình, dự án kết nối trong khu vực, đồng thời hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm tránh “bẫy thu nhập trung bình”, thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững, bảo đảm phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Chiều 7-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Jin Liqun đang tham dự hội nghị. Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là thành viên có trách nhiệm của Ngân hàng và sẵn sàng hợp tác cùng AIIB triển khai các dự án hợp tác phù hợp.
Trước đó, sáng 7-3, hội nghị cấp cao LHQ khu vực Á - Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững đã khai mạc tại Hà Nội. Tham dự hội nghị có khoảng 200 đại biểu đến từ 40 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế.
Phát biểu của đại diện các tổ chức quốc tế và các quốc gia đều nhấn mạnh vai trò của thuận lợi hóa thương mại trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và khẳng định quyết tâm hợp tác hỗ trợ các nước không có biển và trung chuyển khắc phục khó khăn, hội nhập ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, bảo đảm không một một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của thế kỷ 21.
THÀNH NAM