Tạo thuận lợi trong tự do thương mại - cần sự hợp tác từ doanh nghiệp

Để tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh thương mại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), không chỉ có sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước mà cần cả sự nỗ lực, hợp tác, hưởng ứng từ phía các DN.
Tạo thuận lợi trong tự do thương mại - cần sự hợp tác từ doanh nghiệp

Để tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh thương mại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), không chỉ có sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước mà cần cả sự nỗ lực, hợp tác, hưởng ứng từ phía các DN.

Hải quan cam đoan cắt giảm 50% thủ tục

Nghị quyết 35/CP của Chính phủ vừa ra đời mới đây đã nêu rõ các nguyên tắc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN không chỉ quy định đối với cơ quan quản lý nhà nước, mà cả đối với DN. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước phải có quy định về điều kiện kinh doanh rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể về thanh tra, kiểm tra, giám sát. Về phía DN, Nghị quyết 35/CP cũng nêu rõ phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của DN…

Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thực hiện soi kiểm tra container hàng Ảnh: THÀNH TRÍ


Đứng ở góc độ thực thi công vụ, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, nhìn nhận thẳng thắn: “Hải quan không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu DN không phát triển và phát triển không bền vững”. TPHCM là trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước. Số lượng DN của TPHCM rất lớn, khoảng 140.000 DN. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, số lượng tờ khai hải quan làm thủ tục tại các cửa khẩu trên địa bàn chiếm khoảng 40% của cả nước. Số thu nộp ngân sách chiếm gần 45% số thu của cả nước. Vì vậy, sự tồn tại và phát triển của cộng đồng DN tại TPHCM đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Giám sát quản lý thuộc Cục Hải quan TPHCM, cho biết thêm thời gian qua Cục Hải quan TP đã có nhiều cải tiến, tạo thuận lợi thương mại như cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các giải pháp hiện đại hóa hải quan, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hải quan, đối thoại DN với nhiều hình thức, xây dựng quan hệ đối tác hải quan - DN. Đặc biệt là tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành triển khai Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu… Nói như ông Đinh Ngọc Thắng thì lâu nay ngành Hải quan đã xem DN là đối tác hợp tác, nhưng đến thời điểm hiện nay, DN không chỉ là đối tác hợp tác mà là đối tượng phục vụ… Để chứng tỏ điều đó, Cục Hải quan TP cam kết sẽ cắt giảm 50% thời gian làm thủ tục hải quan so với quy định. Đồng thời, kiến nghị với các cơ quan quản lý chuyên ngành và phối hợp cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục chuyên ngành từ 10 - 15 ngày xuống còn 5 - 7 ngày so với quy định.

Tạo thuận lợi phải gắn với tuân thủ

Tại một hội nghị gần đây về cải tiến thủ tục, tạo thuận lợi thương mại, ông Nestor Scherbey, cố vấn cao cấp của Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA), cũng nhấn mạnh đòi hỏi nỗ lực trong tạo thuận lợi thương mại không chỉ từ cơ quan quản lý. Ông nói, hiện đại hóa hải quan nghĩa là giảm giấy tờ, tự động hóa. Hải quan giảm thủ tục và phục vụ DN nhưng DN phải đảm bảo tính tuân thủ thì mới đồng hành phát triển được. Chẳng hạn, ngành Hải quan xây dựng năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thì Hiệp hội DN phải xây dựng năng lực cho đội ngũ DN thì mới song hành phát triển.

Một thống kê từ Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho thấy: Để hoàn tất thủ tục cho một lô hàng xuất khẩu tại Việt Nam, năm 2013 - DN phải mất 21 ngày, năm 2015 giảm xuống còn 12 ngày, năm 2016 còn dưới 10 ngày. Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý, chúng ta buộc phải cải tiến khâu này xuống dưới 48 giờ vào năm 2018, khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Để thực hiện các hiệp định thương mại giữa các nước thì giảm thuế có thể là một nửa, nhưng giảm chi phí sẽ là gấp đôi, giảm thiểu rất nhiều các chi phí cho hoạt động thương mại, ít nhất cũng giảm 9%”, theo phân tích của AmCham. Do vậy, phương pháp tiếp cận toàn diện đối với hoạt động tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực, theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM, đề nghị Bộ Tài chính nên xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng xây dựng Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa sẽ kiêm luôn vai trò của Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia cho phù hợp với WTO.


HÀN NI

Tin cùng chuyên mục