Gói giải pháp 29.000 tỷ đồng của Chính phủ

Tạo xung lực cho doanh nghiệp

Tạo xung lực cho doanh nghiệp

Thông tin Chính phủ vừa thông qua gói giải pháp 29.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp (DN) được ví như một luồng sinh khí thổi vào các DN đang gặp nhiều khó khăn hiện nay. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để chủ trương này triển khai nhanh và hiệu quả nhất. Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, Chính phủ cần làm gì để tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển? PV Báo SGGP đã trao đổi cùng ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, xoay quanh những vấn đề này.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng nhờ nguồn vốn mới. Ảnh: Cao Thăng

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng nhờ nguồn vốn mới. Ảnh: Cao Thăng

- PV: Thưa ông, Chính phủ vừa thông qua việc hỗ trợ 29.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay, giãn thuế thu nhập DN. Ông bình luận thế nào về các giải pháp này?

>> Ông Huỳnh Văn Minh: Đây là một tin vui, rất vui cho các DN, tuy có hơi chậm trễ. Đây là những vấn đề Hiệp hội DN TPHCM đã kiến nghị ngay từ cuối năm 2010. Nếu “liều thuốc” này được tiêm vào cuối 2011, đầu 2012 thì các DN không “bệnh” nặng đến như thế. Gói kích cầu hơn 29.000 tỷ đồng sẽ không tác động tới lạm phát vì chúng ta không in tiền, vậy tại sao Chính phủ không triển khai sớm? Chính phủ nên mạnh tay hơn trong việc hỗ trợ các DN. Về thuế thu nhập DN, theo tôi không đề cập vào đây, vì DN hoạt động có hiệu quả để đóng thuế cho nhà nước là điều tốt. Nhưng thời gian vừa qua, DN có phát triển được đâu mà đóng thuế! Do vậy, nên dồn hết thuế thu nhập DN sang thuế giá trị gia tăng (VAT). VAT là cái thiết thực nhất cho DN hiện nay. VAT cũng nên chia ra nhiều loại như miễn, giảm, giãn vì 5%-10% rất quan trọng và giá trị đối với DN. Ví dụ, hàng tồn kho 10 đồng, khi được giảm VAT, giá bán chỉ còn 9 đồng, DN sẽ bán được nhiều hàng hơn, đẩy nhanh lượng hàng tồn kho. Khi tiếp cận được các chính sách này, sẽ giúp DN giảm giá thành, tiết kiệm chi phí tăng sức cạnh tranh hàng hóa.

Về đối tượng ưu tiên, tôi cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính là “tam nông” và xuất khẩu. Nhưng tại TPHCM, nên ưu tiên hàng tiêu dùng, phi tiêu dùng, thực phẩm. Trong thực phẩm, nên ưu tiên nhóm hàng bình ổn giá, thay vì cho vay kích cầu lãi suất bằng không thì cũng cần giảm VAT để giảm giá bán. Trong lĩnh vực “tam nông”, nên ưu tiên cho nông nghiệp trước, vì đây là lĩnh vực làm ra “tiền tươi, thóc thật” cho xã hội, tạo công ăn việc làm.

- Ông có thể khái quát đôi nét về hoạt động của các DN TPHCM từ đầu năm đến nay?

Sản xuất kinh doanh của TPHCM luôn đi đầu trong thời gian qua. Thế nhưng sau 4 năm vượt “bão”, khả năng chịu đựng của nhiều DN ngày càng kém. Vốn được ví như máu của DN nhưng đầu năm đến nay căn bệnh này ngày càng trầm trọng. Hàng loạt các DN đang gặp khó khăn tạm ngừng hoạt động, tạm ngừng đóng thuế, rồi giải thể phá sản. Trên thực tế, việc phá sản ở nước ta còn nhiều vấn đề phải bàn, cần làm rõ thêm. Phá sản hiện nay đồng nghĩa “tan gia, bại sản” nên việc tuyên bố phá sản là rất khó. DN cứ nằm đó để “chết” dần dần. Đây là mầm mống rất nguy hiểm mà nếu không có liều thuốc đặc trị của Chính phủ, sẽ rất khó khắc phục. Chúng tôi đã báo động tình hình này đến các cấp lãnh đạo.

- DN thuộc lĩnh vực nào gặp khó khăn nhiều nhất?

Nói chung, tất cả DN đều bị ảnh hưởng. Nếu trước đây khó khăn dồn vào khu vực DN sản xuất và bất động sản thì giờ đây, đã lây lan sang cả các DN phân phối, dịch vụ vì tỷ lệ hàng hóa tồn đọng tại các DN này trong 4 tháng đầu năm là rất lớn. Việc hỗ trợ cho các DN tiếp cận được gói kích cầu, cộng với việc miễn, giảm VAT chắc chắn sẽ giúp DN tìm được một hướng đi mới.

- Hiện ngành ngân hàng siết lãi suất cho vay ở mức 15%. Theo ông, cần làm gì để chúng ta thực hiện tốt chủ trương này?

Đây là lần đầu tiên NHNN đề ra trần lãi suất đầu ra. Theo tôi, trần lãi suất cho vay 15% dù không phải là mức lý tưởng (vì tại nhiều nước lãi suất chỉ ở mức từ 8% - 12%), nhưng trong bối cảnh này, là chấp nhận được. Vấn đề đặt ra là làm sao tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện và để DN tiếp cận được. Nếu chúng ta làm không khéo sẽ xảy ra cơ chế xin - cho, gây nhũng nhiều, mất thời gian. Do vậy, khi có chủ trương của Chính phủ, các bộ ngành chức năng, ngân hàng cần vào cuộc đồng hành cùng DN để DN có thể tiếp cận được số tiền vay sớm nhất. Về phía Hiệp hội DN TPHCM cũng cố gắng truyền tải, làm cầu nối cho ngân hàng, tiếp cận ngay địa chỉ DN đang cần vốn. Với DN cũng phải tự điều chỉnh, phải tự tái cấu trúc để đáp ứng những yêu cầu đặt ra.

- Trở lại với vấn đề của TPHCM, trong 2 năm qua, TP cũng đã hỗ trợ DN thông qua Quyết định 33. Đến thời điểm này, việc tiếp cận nguồn vốn này như thế nào? Khó khăn, vướng mắc ra sao?

Tới giờ này, con số các DN tiếp cận được nguồn vốn từ Quyết định 33 là không đáng kể. Sở dĩ quyết định này chưa đi vào cuộc sống là vì những quy định đặt ra quá chặt, chủ yếu phù hợp cho các dự án trung và dài hạn, trong khi DN chủ yếu đang gặp khó khăn trong ngắn hạn lại không thể tiếp cận được. Nói cách khác, quyết định này được ví như người đang bị đói, có bánh nhưng lại không thể ăn! Trong tuần tới, Hiệp hội DN TPHCM sẽ họp với Công ty Đầu tư tài chính TP để làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trình UBND TP tháo gỡ.

Vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay là khôi phục lại niềm tin. Điều hành vĩ mô thông qua các biện pháp hành chính kéo dài quá lâu, sẽ gây thiệt hại lớn cho các DN. Theo tôi, hiện nay khoảng cách giữa cơ quan chức năng và DN còn quá lớn. Tôi có thể khẳng định DN “chết” không thể đổ cho khủng hoảng tài chính toàn cầu mà còn có yếu tố điều hành vĩ mô. Chừng nào có sự sẻ chia, gắn kết giữa người điều hành và thực thi chính sách với DN, khi đó đội ngũ DN mới vững mạnh.

- Hiện các DN đã tiếp cận được mức vốn với lãi suất thấp này chưa?

>> Chưa. Vì trên thực tế, chúng tôi mới chỉ biết thông tin này qua báo chí, chưa có văn bản chính thức. Tuy nhiên đây là thông tin rất tốt. Như tôi đã nói, từ chủ trương đến chính sách cần một quãng thời gian, nếu không triển khai quyết liệt thì từ nay đến cuối năm cũng chưa thực hiện được hoặc nếu có thì cũng không đến lượt các DN nhỏ và vừa. Nên nhớ, DN nhỏ và vừa đang đóng góp cho GDP tới 65% và làm ra nhiều của cải cho xã hội. Họ “chết” là do chính sách điều hành vĩ mô của chúng ta cứng nhắc chứ không đơn thuần là từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Phải cứu DN!

Thúy Hải (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục