Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Hoạt động hiệu quả sau 5 năm đổi mới

* Chiến lược đúng - hiệu quả cao
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Hoạt động hiệu quả sau 5 năm đổi mới

* Chiến lược đúng - hiệu quả cao

Mô hình công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) được thành lập theo Quyết định số 249/2006/QĐ-TTg ngày 30-10-2006 của Thủ tướng Chính phủ với nguồn vốn Nhà nước ban đầu là 2.600 tỷ đồng, đến thời điểm đăng ký kinh doanh theo mô hình mới, ngày 9-4-2007, VRG có nguồn vốn điều lệ là 8.934 tỷ 983,5 triệu đồng. Theo đánh giá của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng như các bộ, ngành Trung ương, VRG đã có chiến lược phát triển đúng đắn, biết cách lấy lợi nhuận cao su để làm tiền đề phát triển, qua đó đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch sang cơ cấu kinh tế công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, từng bước mở rộng đầu tư đa ngành.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Hoạt động hiệu quả sau 5 năm đổi mới ảnh 1

Một góc vườn Cao su Tây Nguyên

Theo số liệu thống kê, tính đến nay, tổng tài sản toàn tập đoàn từ 14.350 tỷ đồng năm 2006 đã tăng lên 40.000 tỷ đồng vào năm 2010, tăng gấp 2,8 lần. Tổng vốn đầu tư 27.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có huy động là 15.000 tỷ đồng. Nghĩa là, bình quân mỗi năm, VRG đầu tư trên 5.400 tỷ đồng để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Các chỉ tiêu tài chính trong giai đoạn 2005 – 2010 đều tăng so với 5 năm trước. Cụ thể, tổng doanh thu từ 27.747 tỷ đồng tăng lên 75.640 tỷ đồng, tăng gấp 2,72 lần. Tổng lợi nhuận trước thuế 7.655 tỷ đồng tăng lên 23.100 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần. Nộp ngân sách nhà nước từ 2.931 tỷ đồng tăng lên 7.104 tỷ đồng.

Đặc biệt, lương CBCNV bình quân từ 2.093.529 đồng/người/tháng tăng lên 5,5 triệu đồng/người/tháng khi kết thúc năm 2010. Năm năm qua, toàn tập đoàn trồng mới được 52.333ha cao su trong đó có 41.834ha cao su được trồng tại Lào, Campuchia và vùng Tây Bắc. Việc trồng cao su ở ngoài vùng truyền thống trong 5 năm qua, trước hết mang lại hiệu quả kinh tế cho tập đoàn đồng thời phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh – chính trị cho vùng sâu, vùng xa. Tính đến cuối năm 2010, tập đoàn quản lý 298.800ha cao su với tổng vốn lên đến 22.000 tỷ đồng, tổng số cán bộ, công nhân viên hơn 100.000 người làm việc tại 112 đơn vị thành viên…

Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG cho biết, quan điểm đầu tư của tập đoàn là vẫn lấy phát triển cao su làm nhiệm vụ trọng tâm chiến lược để góp phần nâng diện tích cao su cả nước lên 700.000ha theo tổng quan phát triển ngành cao su đến 2015-2020. Ba chương trình lớn của tập đoàn hiện nay là phát triển thêm 100.000ha cao su ở các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung; đầu tư trồng 100.000ha cao su ở Lào và 100.000ha Cao su ở Campuchia. Với 3 chương trình này, nhiều công ty ở miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên đã phối hợp với Viện Nghiên cứu cao su mở dịch vụ phát triển cao su tiểu điền. Theo đó, các  thành viên của VRG nhận đất, trồng mới cao su sống tốt sau một năm giao lại cho chủ đầu tư hay bán theo hình thức đấu thầu.

Nhờ hình thức này, năm 2007, diện tích trồng mới và tái canh của VRG khởi động khoảng 5.000ha. VRG cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển cao su Tây Bắc, phát triển 10.000ha ở Lai Châu và Sơn La. Các bộ giống phù hợp với vùng đất mới này đã được chọn lọc, bên cạnh đó, sẽ nhập khẩu các giống của Trung Quốc. Tại Lào, Công ty Cổ phần Cao su Việt Lào sau 2 năm đã trồng mới gần 8.000ha cao su đạt tiêu chuẩn, nỗ lực hoàn tất dự án trồng 10.000ha ngay trong năm 2007 để mở rộng nhận thêm diện tích trồng mới. Tại Campuchia, bước đầu 9 công ty cao su ở miền Đông Nam bộ đã được chính quyền các tỉnh bạn giao đất khảo sát, xúc tiến các thủ tục đầu tư. Hai công ty đã hoàn thành các thủ tục, diện tích trồng mới năm đầu tiên 2007 sẽ đạt 4.000ha. Như vậy, tổng sản lượng chế biến và tiêu thụ của VRG từ 320.000 tấn vào năm 2006 đến 2010 đã tăng lên gần 450.000 tấn.

Hiện nay, nhu cầu cao su thế giới dự kiến vẫn gia tăng, vì vậy, VRG đang ra sức đổi mới phương thức giao dịch, hợp đồng, để đạt được lợi nhuận khi xuất khẩu nguyên liệu cao su ở mức cao nhất.  Chu kỳ khai thác cây cao su cũng đã được tập đoàn tính toán hợp lý từ 25 năm trước đây nay rút xuống còn 20 năm để khai thác mủ đạt sản lượng cao nhất và khai thác nguồn gỗ cao su thanh lý. Sau Bình Dương, Gia Lai, các nhà máy chế biến gỗ cao su đã được xây dựng thêm ở Bình Phước, Đồng Nai. Giá gỗ cao su sơ chế nhập khẩu hiện tại là 230 USD/m³ (từ Campuchia) và gần 300 USD/m³ từ các nước khác. Trong năm 2010, gỗ cao su tinh chế đạt 70.000m³, sơ chế đạt 80.000m³.

Ngoài ra, VRG còn dự kiến xúc tiến phát triển công nghiệp cao su với các mặt hàng như săm lốp ô tô 2 – 4 triệu bộ/năm, băng tải cao su khoảng 1.000km dài. Trong lĩnh vực năng lượng, ngoài các công trình thủy điện ở Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Nam, VRG góp 300 tỷ đồng, bằng 10% vốn điều lệ, để cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển lập Công ty Cổ phần Điện lực Quốc tế Việt Nam để đầu tư các dự án tại Campuchia và Lào.

Không chỉ đạt được kết quả ấn tượng trong công tác sản xuất kinh doanh, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và nhà nước yêu cầu là phát triển kinh tế kết hợp với củng cố an ninh – quốc phòng, trong những năm qua, tập đoàn đã “đứng chân” trên nhiều vùng trọng yếu nhạy cảm về công tác an ninh chính trị như Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc, Lào và Campuchia... Những địa phương này có đường biên giới tiếp giáp với các nước láng giềng dài trên 800km (từ Tân Biên, Tây Ninh đến Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đã được tập đoàn kết hợp thực hiện rất tốt 2 nhiệm vụ trên.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua vì an ninh quốc phòng, vì trật tự xã hội cũng được các đơn vị thành viên trong tập đoàn thực hiện tốt bằng nhiều hình thức khá sinh động như tổ chức giao lưu kết nghĩa đối với các đồn biên phòng, các huyện đội, tỉnh đội và các quân khu. Tiêu biểu có các đơn vị: Công ty Cao su Bình Long, Lộc Ninh, Tân Biên, Dầu Tiếng, Chư Prông, Kon Tum, Quảng Trị… với mô hình thành lập các đội tự quản, thanh niên xung kích... Trong năm 2007, tập đoàn đã tổ chức hội thao quốc phòng tại tỉnh Gia Lai với sự có mặt của 21 đoàn và trên 700 vận động viên tham dự. Năm 2009, tập đoàn tham gia hội thao quân sự Quân khu 7 đoạt giải ba toàn đoàn. Hiện tại, tập đoàn có 9.800 CBCNV trong lực lượng tự vệ, chiếm 10% tổng số nhân viên…

Có được thành quả như trên, vai trò của Đảng ủy, lãnh đạo VRG trong thực hiện chủ trương, sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước chiếm một vị trí hết sức quan trọng, then chốt. Hoạt động của các tổ chức Đảng từ đảng viên đến các chi bộ, Đảng bộ luôn được thông suốt, nhất quán, gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Công tác tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, các nghị quyết Trung ương 3, 4, 5, 6, 7 và 9 (khóa X); triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó có các kết luận về kinh tế – xã hội, các nghị quyết, văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và của Thành ủy TPHCM.

Cũng theo Tổng Giám đốc Trần Ngọc Thuận, định hướng phát triển của VRG trong 5 năm tới (2010 – 2015), tầm nhìn đến năm 2020 là phấn đấu hoàn thành thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế là công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ. Đảm bảo tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm với tổng doanh thu trên 30.000 tỷ đồng vào năm 2015. Trong đó xuất khẩu từ 800 triệu đến 1 tỷ USD. Tổng tài sản và vốn nhà nước đạt 100.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước trên 40.000 tỷ đồng. Đến năm 2015 sẽ tạo thêm 50.000 đến 70.000 chỗ làm mới trong và ngoài nước, nâng tổng số lao động lên từ 160.000 – 180.000 người…

Thu Tuyết - Thanh La

Tin cùng chuyên mục