(SGGP-ĐTTC).- Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp đến 39% GDP và 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội, cho thấy một sức sống mạnh mẽ, thực sự là động lực góp phần phát triển đất nước. Tích hợp, liên kết các thế mạnh đó vào một doanh nghiệp chính là hình thành các tập đoàn kinh tế. Thế nhưng trong khi cả nước có 8 tập đoàn kinh tế nhà nước, mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân vẫn chưa được thừa nhận….
Lãng quên hay xem thường?
Các tập đoàn kinh tế trên thế giới được tổ chức, tái cơ cấu theo xu thế sáp nhập và mua lại. Những năm gần đây, người ta liên tục chứng kiến những thương vụ sáp nhập và mua lại với quy mô khá lớn cùng sự phình to của nhiều tập đoàn lớn. Tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s gọi đây là “hội chứng sáp nhập”. Hội chứng này rất có thể tạo ra một bước phát triển mới trong nền kinh tế thế giới - thời của các tập đoàn.
Ở nước ta đã có một số tập đoàn kinh tế tư nhân hình thành theo mô hình này. Tiêu biểu như Đồng Tâm, FPT, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Kinh Đô, HIPT, Hoàng Long, T&T, Vincom, Hanaka... Các tập đoàn này đều có vốn góp, cổ phần chi phối lẫn nhau ở các công ty con, công ty liên kết, ngân hàng, đối tác chiến lược trong và ngoài nước với hàng ngàn cổ đông.
Nhà nước chủ trương tạo điều kiện cho khối kinh tế tư nhân phát triển nhưng chưa có hoạch định và đề ra định hướng phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân. Thậm chí đến nay vẫn chưa có định nghĩa chính thức và hệ thống tiêu chí. Chính vì thế tập đoàn kinh tế tư nhân đã hình thành nhưng phải dò dẫm và mong chờ chính sách cụ thể ở tầm vĩ mô. Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Vincom |
Các chính sách về phát triển kinh tế đã thể hiện quan điểm hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên quan điểm này mới chỉ thể chế hóa ở khu vực kinh tế nhà nước.
Đến nay cả nước đã có 8 tập đoàn kinh tế trong các lĩnh vực mũi nhọn như bưu chính - viễn thông, dầu khí, đóng tàu, than - khoáng sản, điện lực, bảo hiểm... trong khi mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân hiện nay chưa được thừa nhận. Vì thế các tập đoàn tư nhân hiện nay buộc phải mang cái tên không chính danh như “công ty cổ phần tập đoàn…” hoặc “công ty TNHH tập đoàn…”.
Luật Doanh nghiệp năm 2005 được đánh giá là “luật để hội nhập”, nhưng cả luật và các văn bản hướng dẫn đều chưa tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân. Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Doanh nghiệp về đăng ký kinh doanh cũng không đề cập đến việc hình thành và phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
Luật đưa ra khái niệm “tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn” và giao cho Chính phủ quy định, hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động. Như vậy việc thừa nhận các tập đoàn kinh tế tư nhân vẫn mang tính chủ trương. Trong khi đó, dự thảo Nghị định về hình thành, tổ chức, hoạt động và giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đã “bỏ quên” tập đoàn kinh tế tư nhân…
Lọ mọ tìm sự thừa nhận
Các tập đoàn nhà nước có thế mạnh là chuyển đổi từ những tổng công ty lớn, có lợi thế đặc thù và sự hậu thuẫn của Chính phủ, được ra đời bằng một quyết định, nhanh chóng được thừa nhận và có vị thế riêng. Trong khi đó, tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành bằng chính sự tăng trưởng quy mô và mở rộng phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp.
Việc hình thành tập đoàn hoàn toàn do nhu cầu và nội lực của doanh nghiệp, không có bất cứ một quyết định chuyển đổi hay sắp xếp hành chính nào. Điều này thể hiện qua sự phát triển nhanh chóng của khu vực kinh tế tư nhân cả về quy mô và chất lượng, đã phát triển thành nhóm doanh nghiệp có mối liên hệ với nhau về vốn, kỹ thuật và quản trị, kinh doanh trên nhiều ngành nghề. Nhưng do luật chưa quy định, các tập đoàn tư nhân hiện nay chỉ tự công bố và chưa được thừa nhận về mặt pháp lý.
Ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, cho rằng Luật Doanh nghiệp đã có hiệu lực nhưng hướng dẫn về tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế vẫn chưa có. So với thực tế một số tập đoàn kinh tế nhà nước đã thành lập và một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã xuất hiện thì việc định dạng tập đoàn kinh tế đã đi sau thực tiễn.
Ông Phạm Thế Vinh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á, nhận xét: Sự hình thành tập đoàn là do yêu cầu khách quan trong việc phát triển kinh tế, song luật pháp lại chưa có điều chỉnh rõ ràng, cho nên các quy định, chính sách phát triển và hỗ trợ đối với tập đoàn kinh tế tư nhân cũng chưa có.
Có thể tạm định nghĩa tập đoàn kinh tế tư nhân là một doanh nghiệp quy mô lớn, một pháp nhân có sự liên kết tự nguyện các thế mạnh về vốn, thương hiệu, kỹ thuật, công nghệ, thị trường, đối tác quốc tế, trình độ quản lý... giữa các doanh nghiệp độc lập. Tập đoàn có thể nắm giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần, vốn góp chi phối tại các công ty con.
Công ty con được tổ chức dưới các hình thức: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, công ty cổ phần, công ty liên doanh trong và ngoài nước. Đi đôi với việc phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước, việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ tạo điều kiện để họ có tiếng nói chính danh và phát huy nội lực trong việc phát triển kinh tế đất nước.
Thời cơ chín muồi
Việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân tại nước ta rất cần thiết nhưng trước hết phải có định nghĩa, xác định khái niệm, làm rõ các tiêu chí về ngành nghề, vốn, công nghệ, thành viên… Điều quan trọng là giá trị thương hiệu và phải được xã hội thừa nhận. Những doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn, thương hiệu mạnh cũng có thể trở thành tập đoàn kinh doanh. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn T&T |
Hiện nay nước ta đang có sự chuyển dịch kinh tế lớn lao. Đó là sự chuyển dịch, phát triển để hội nhập với nền kinh tế thế giới; tạo lập vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế qua lộ trình gia nhập WTO. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi phải tăng cường nội lực và năng lực cạnh tranh. Dường như trong xu thế này, các doanh nghiệp tư nhân đang có nhiều lợi thế hơn trong việc cải biến để thích nghi với môi trường kinh tế toàn cầu.
Một điều không thể phủ nhận: khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển rất năng động. Để tạo động lực phát triển, ngoài việc Nhà nước có chính sách đòn bẩy, khuyến khích phát triển mạnh hơn nữa, một trong những việc cần làm là thúc đẩy việc hình thành mô hình kinh tế mới: các tập đoàn kinh tế tư nhân. Những tập đoàn này chắc chắn sẽ trở thành những đầu tàu phát triển. Điều này đồng nghĩa cơ hội cho việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đã đến.
Nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước nên có ngay những nghiên cứu cụ thể, học tập các mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân từ các nước phát triển hơn để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân tương tự tại nước ta. Về mặt pháp lý, việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước cũng đang đặt ra các yêu cầu về tính hoàn thiện, tính tương thích với hệ thống pháp luật; yêu cầu cải cách hành chính về đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, việc sáp nhập và mua lại theo hướng thống nhất, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế này.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về nguyên tắc đề xuất mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân. Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng có nhiều doanh nghiệp ra đời, phát triển bền vững, xây dựng được thương hiệu mạnh có sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân; giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu biểu xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Hoài Thanh