Công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TPHCM trong năm 2016 có gì đáng chú ý và sẽ được thực hiện như thế nào? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM, về vấn đề này.
- Phóng viên: Đầu năm mới, ông có thể nói gì về công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TPHCM trong năm 2015?
>> Ông TRẦN QUANG LÂM: Năm 2015 cũng là năm cuối thực hiện chương trình “Giảm ùn tắc giao thông” giai đoạn 2011-2015, theo Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Đảng bộ TPHCM và Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 14-5-2011 của UBND TP. Một cách tổng quát, kết quả đạt được trong năm qua của công tác đảm bảo ATGT là đã kéo giảm cả 3 mặt - về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương so với năm 2014. Cụ thể, theo số liệu của Ban ATGT TP, trong năm qua địa bàn thành phố đã xảy ra 3.712 vụ tai nạn giao thông, làm chết 703 người và 3.302 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2014 giảm 626 vụ tương đương mức giảm 14,43%; giảm 24 người chết, xấp xỉ 3,3% và giảm 727 người bị thương (18%).
Kiểm tra phương tiện giao thông chở quá khổ tại TPHCM
- Theo ông, điều gì đã giúp tạo ra những chuyển biến từng bước như vậy?
Chúng tôi cho rằng có nhiều nhân tố giúp đưa tới kết quả này là do ngành GTVT TP có sự phối hợp tốt với Ban ATGT TP, các sở ngành, các quận huyện… để triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, thực hiện kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Đó cũng là kết quả của việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra liên ngành, xử lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm tình trạng dồn tải, chất thêm hàng sau khi ra khỏi cảng gây quá tải. Trong năm qua, Sở GTVT tiếp tục điều chỉnh tổ chức phân luồng giao thông theo hướng hợp lý hơn; tăng cường bảo đảm ATGT đối với hạ tầng giao thông hiện hữu; tập trung triển khai các giải pháp xử lý ùn tắc giao thông và điểm đen về tai nạn giao thông.
- Công tác đảm bảo ATGT trong năm 2016 có gì đáng chú ý, thưa ông?
Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X và là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của thành phố, giai đoạn 2016-2020 và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ VI 2016-2020 của Sở GTVT. Bên cạnh những thuận lợi như việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng sẽ thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển thì ngành GTVT TP vẫn còn những thách thức lớn. Chẳng hạn như nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng vẫn còn thiếu; việc thu hút vốn đầu tư tuy có khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; công tác đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm triển khai còn chậm; đô thị hóa tiếp tục tăng nhanh cùng với tăng cao dân số và phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục gây quá tải hệ thống hạ tầng giao thông đô thị... Như chúng ta đã biết, năm 2016 được TPHCM xác định sẽ tiếp tục thực hiện 7 chương trình đột phá, trong đó đặc biệt là chương trình giảm ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông.
Nhiệm vụ kéo giảm ùn tắc giao thông, Sở GTVT sẽ tập trung chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Đó là nâng cao hiệu quả công tác thực hiện quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm đã phê duyệt và đang triển khai; nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng giao thông hiện hữu; tiếp tục đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng; điều tiết nhu cầu giao thông, hạn chế lưu thông đối với phương tiện giao thông cá nhân; đẩy mạnh thực hiện quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025 và quy hoạch Vùng TPHCM gắn với quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng có sức chở lớn; tập trung huy động các nguồn lực đáp ứng chương trình phát triển hệ thống giao thông đô thị; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giao thông vận tải đô thị...
Kiểm tra tải trọng phương tiện giao thông, một trong những giải pháp đảm bảo an toàn giao thông năm 2016.
- Nhiệm vụ trọng tâm nhiều nhưng theo ông, giải pháp nào là giải pháp sẽ mang tính đột phá?
Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp mang tính đột phá như nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; tập trung rà soát, hoàn thiện đơn giá định mức, triển khai áp dụng công tác đấu thầu và ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ trong công tác duy tu bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác tổ chức phân luồng, quản lý giao thông. Hiện Sở GTVT đã phát triển 300 camera quan sát trong trung tâm thành phố để theo dõi, giám sát, phục vụ công tác quản lý giao thông; đẩy mạnh tái cấu trúc, sắp xếp lại các đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp vận tải; triển khai thực hiện thí điểm quảng cáo và áp dụng trên toàn hệ thống xe buýt; sử dụng vé điện tử trong hoạt động buýt; đầu tư mới phương tiện buýt, bến bãi, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt; theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đưa vào khai thác vận hành tuyến xe buýt nhanh BRT; tổ chức phân luồng giao thông theo định hướng ưu tiên làn dành riêng cho xe buýt; cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ trong hoạt động xe buýt với định hướng lấy hành khách làm trọng tâm; tập trung huy động, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án giao thông, chủ yếu tập trung theo hướng Đông Bắc như đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, hướng Tây Nam như cầu đường Bình Tiên, khép kín đường Vành đai 2, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ… Đó còn là việc tăng cường công tác kiểm tra tải trọng phương tiện, phối hợp với cảnh sát giao thông trong xử lý xe quá tải trọng cầu, đường bộ; kiện toàn, phát huy vai trò của Ban ATGT TP; đẩy mạnh công tác phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận huyện trong công tác quản lý trật tự lòng lề đường, vỉa hè; xác định và tập trung xử lý các khu vực điểm nóng ùn tắc giao thông như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, trường học, bệnh viện…
THIỆN NHÂN (thực hiện)
Ảnh: CAO THĂNG