Tập trung vốn xây dựng đường tuần tra biên giới

Trong ngày làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về phương án phân bổ bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 cho các dự án dở dang và dự án Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; góp ý cho dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và dự án Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Trong ngày làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về phương án phân bổ bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 cho các dự án dở dang và dự án Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; góp ý cho dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và dự án Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

        Ưu tiên cho các dự án trọng điểm

Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại phiên họp, Chính phủ dự kiến bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án dở dang của các bộ, địa phương là 66.720 tỷ đồng và 6.600 tỷ đồng cho dự án Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu.

Đối với 91 dự án dự kiến hoàn thành trong 2 năm 2014 - 2015 nhưng mới đáp ứng được 33,7% vốn trái phiếu Chính phủ, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương căn cứ tổng số vốn dự kiến cho các dự án để dồn vốn hoàn thành dứt điểm các dự án, đưa vào sử dụng, tránh lãng phí, thất thoát hoặc điều chỉnh tổng mức đầu tư cho phù hợp với khả năng bố trí vốn của từng dự án.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết ưu tiên tập trung vốn cho việc xây dựng đường tuần tra biên giới. “Đây là công trình đầu tiên trong danh mục được sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Tôi hết sức quan tâm đến việc này”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Đồng tình cao với việc bổ sung vốn để hoàn thành dự án Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển và một số ý kiến khác đề nghị rà soát lại việc bố trí vốn dự phòng quá lớn cho công trình này; cụ thể là cắt giảm bớt khoản dự phòng và chuyển khoản này để hoàn thiện đường tuần tra biên giới. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bố trí đủ 1.500 tỷ đồng cho dự án xây dựng đường tuần tra biên giới (tăng thêm 500 tỷ đồng so với khoản được trình là 1.000 tỷ đồng; khoản tiền 500 tỷ đồng này có được nhờ cắt giảm chi phí dự phòng của dự án Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu).

        Quy định rõ thủ tục phá sản và phục hồi doanh nghiệp

Cũng trong buổi sáng 15-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Đa số ý kiến đều tán thành quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, hợp tác xã như dự thảo luật. Một số ý kiến đề nghị mở rộng các đối tượng khác như cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có đăng ký kinh doanh, các cơ sở đào tạo. “Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định như dự thảo, không mở rộng thêm đối tượng như loại ý kiến thứ hai”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Về chế định quản tài viên - một vấn đề đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhận định: “Luật Phá sản hiện hành đã quy định tổ quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, qua tổng kết thi hành luật, chế định này còn nhiều bất cập. Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định thẩm phán chỉ định một quản tài viên thực hiện việc quản lý tài sản”.

Thảo luận về dự luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra; đồng thời đề nghị ban soạn thảo quy định rõ trong luật về thủ tục phá sản và phục hồi doanh nghiệp.

Chiều cùng ngày, sau khi cho ý kiến đối với dự án Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục