(SGGPO). - Sáng 26-5, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trưa nay, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo để thông báo về nội dung phiên họp thường kỳ.
Theo thông báo của ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tại phiên họp này, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất đánh giá, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung và tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, và các Nghị quyết của Chính phủ; đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch đề ra. Kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm 2013 tiếp tục có những chuyển biến đúng hướng và đạt nhiều kết quả. Nổi bật là lạm phát được kiềm chế; giá cả, thị trường khá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2013 giảm nhẹ 0,06% so với tháng trước (là tháng thứ 2 có mức tăng CPI âm trong vòng 5 tháng đầu năm). So với tháng 12-2012, CPI tháng 5-2013 tăng 2,35%, là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua. Từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 31.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 156.430 tỷ đồng. Khoảng 8.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động…
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản giảm sút. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo phục hồi chậm. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay chậm được thu hẹp; lãi suất cho vay vẫn còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp. Tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng như tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chậm được giải quyết. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản, tuy có giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức cao. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước chậm hơn cùng kỳ các năm trước; giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước đạt thấp. So với tháng trước, CPI sau khi có mức tăng nhẹ vào tháng 4, tiếp tục có mức tăng âm trở lại…
Từ tình hình này, sau khi thảo luận, Chính phủ thống nhất nhận định, thời gian tới, cần bám sát, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó tập trung vào các trọng tâm: tiếp tục thể chế hóa để các quy định, chính sách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế… sớm đưa vào cuộc sống. Đồng thời làm tốt việc sơ kết, tổng kết từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp. Tiếp tục ổn định giá cả, tỷ giá, quản lý tốt thị trường vàng, kiềm chế lạm phát. Rà soát để bảo đảm mức chênh lệch hợp lý giữa lãi suất huy động và cho vay; ưu tiên tín dụng cho những sản phẩm có thị trường, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý nợ xấu. Đây là công việc khó, đã có nhiều công cụ để xử lý, trong đó Chính phủ đã ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, cần tập trung triển khai thực hiện, vừa làm vừa hoàn thiện cơ chế chính sách, không để xảy ra tiêu cực. Cùng với đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó có gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, chủ yếu dành cho người thu nhập thấp.
|
PHAN THẢO