Tắt đèn chưa đủ bật tương lai

Năm nay, 2014, đã là lần thứ 6, Việt Nam tham gia chiến dịch Giờ Trái đất với hành động “tắt đèn, bật tương lai”. Từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 29-3, nghi thức tắt đèn lại được thực hiện.

Năm nay, 2014, đã là lần thứ 6, Việt Nam tham gia chiến dịch Giờ Trái đất với hành động “tắt đèn, bật tương lai”. Từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 29-3, nghi thức tắt đèn lại được thực hiện.

Theo chuỗi số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2009, việc tắt đèn trong 1 giờ đã giúp Việt Nam tiết kiệm được 140.000 kWh; năm 2010 là 500.000 kWh; năm 2011 là 400.000 kWh; năm 2012 là 546.000 kWh và năm 2013 là 401.000 kWh. Đây là những con số đáng kể, nhưng không đáng nhấn mạnh quá nhiều. Trong năm 2013, với sự tham gia của tất cả 63 tỉnh thành trên toàn quốc, lượng điện tiết kiệm được lại chỉ vào loại trung bình: thấp hơn nhiều so với 2 năm 2010 và 2012; chỉ nhỉnh hơn một chút so với năm 2011 và cao hơn năm 2009 - là năm đầu tiên Việt Nam tham gia vào chiến dịch Giờ Trái đất, khi số người biết đến cụm từ “Giờ Trái đất” còn rất hạn chế.

Tiết kiệm điện, đúng và rất cần thiết, nhưng chưa đủ. Việt Nam còn cần có nguồn năng lượng xanh và nhiều, đủ dùng khi nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt. Năm nay, chiến dịch Giờ Trái đất có một gương mặt đại sứ đặc biệt, bên cạnh những ngôi sao ca nhạc và người nổi tiếng. Đó là ông John Nielsen, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam. Phát biểu tại cuộc họp báo về Giờ Trái đất năm 2014, đại sứ này nêu thông tin: Trong suốt 3 thập niên qua, Đan Mạch đã tăng trưởng cao liên tục nhưng mức tiêu thụ năng lượng không thay đổi. Thực tế là kể từ năm 1981 đến nay, quy mô nền kinh tế Đan Mạch đã tăng lên 70%, trong khi nhờ áp dụng những công nghệ tiên tiến và các biện pháp hợp lý hóa sản xuất, tiêu dùng, mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia này hầu như không đổi.

Không chỉ như vậy, sau khi quyết định không lựa chọn công nghệ hạt nhân, Đan Mạch đã sớm tập trung phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Hai nguồn năng lượng sạch này đang cung cấp khoảng 20% tổng năng lượng tiêu thụ cả nước và sản sinh ra một ngành xuất khẩu mới nổi tiếng toàn cầu: 1/3 số turbine gió trên thế giới là do Đan Mạch sản xuất. Năm 1973, 99% nhiên liệu Đan Mạch sử dụng được nhập khẩu từ Trung Đông và tỷ lệ này nay bằng 0. Đan Mạch cũng là một trong những nước đi đầu về sản xuất enzyme chuyển sinh khối thành nhiên liệu, với hai tên tuổi lớn hiện đang sở hữu kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực này: Danisco và Novozymes.

Tất nhiên làm được điều này là một kỳ tích. Không những Chính phủ Đan Mạch quyết tâm hỗ trợ phát triển công nghệ năng lượng sạch mà bản thân người dân nước này cũng đã phải hy sinh lợi ích của mình trong một thời gian dài trước khi thu hoạch những thành quả của chính sách năng lượng. Giá nhiên liệu được duy trì ở mức cao để tạo ra động lực cho người dân hạn chế tiêu dùng và thay đổi thói quen theo hướng sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn. Thuế CO2 được áp dụng từ giữa thập niên 1990 và tiếp tục được duy trì kể cả sau khi quốc gia này phát hiện có dầu mỏ dưới đáy biển.

Liệu các doanh nghiệp Việt Nam và người dân Việt Nam có ủng hộ những chính sách mạnh mẽ tương tự? Mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đã dành 2 ngày để khảo sát những tuyến đê biển tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau - vùng trọng điểm chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Diễn biến phức tạp và nhanh hơn dự báo của hiện tượng biến đổi khí hậu kéo theo mực nước biển dâng đã được đoàn công tác ghi nhận. Tại các địa phương này, nước biển xâm thực vào đất liền với tốc độ nhanh, làm xói lở các tuyến đê biển một cách đáng quan ngại. Ai cũng biết rằng bên cạnh các giải pháp công trình nhằm ứng phó với nước biển dâng thì việc “trị bệnh” sâu xa phải là giữ rừng, trồng thêm rừng ngập mặn và giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch, tiết chế khí thải CO2 để giảm bớt hiện tượng nóng lên của Trái đất. Việc đã cấp bách rồi, chúng ta đã sẵn sàng chưa?

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục