Tàu Titanic: 95 năm nghỉ vẫn chưa yên

Tàu Titanic: 95 năm nghỉ vẫn chưa yên

Titanic, con tàu đắm nổi tiếng nhất lịch sử, lại thu hút sự quan tâm của thế giới khi nạn trục vớt cổ vật từ xác tàu đang được báo động. Nhà Trắng đầu tuần này vừa trình Quốc hội Mỹ phê chuẩn hiệp ước quốc tế do 4 nước Anh, Mỹ, Canada và Pháp dự thảo, nhằm bảo vệ những di vật liên quan Titanic và công nhận xác tàu là đài tưởng niệm hàng hải quốc tế.

Ai vớt được thì lấy

Tàu Titanic: 95 năm nghỉ vẫn chưa yên ảnh 1
Tàu Titanic trước chuyến đi định mệnh

Titanic bị đắm năm 1912 và đến năm 1985, xác tàu được phát hiện bởi đoàn thám hiểm Mỹ và Pháp, với các nhà khoa học Robert Ballard (Viện Hải dương học Woods Hole, Mỹ) và Jean-Michel Louis (Viện Nghiên cứu về thám hiểm biển, Pháp).

Tàu nằm sâu khoảng 3.800m ở Đại Tây Dương, cách bờ biển Đông Nam Newfoundland (Canada) chừng 650km. Lúc đó, các nhà khoa học đã không trục vớt đồ vật cá nhân trên tàu vì cho rằng điều đó đồng nghĩa với “cướp bóc một nấm mồ”.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều công ty săn tìm cổ vật biển, với thông lệ “finder’s keepers” (ai vớt được thì lấy), đã trục vớt hàng ngàn món từ Titanic để trưng bày hoặc bán. Titanic là tàu đắm ở sâu nhất luôn được săn tìm trục vớt cổ vật.

Hầu hết hành khách trên Titanic đã mua bảo hiểm tài sản trước khi tàu khởi hành, bên bán bảo hiểm là Công ty Liverpool & London của Anh. Sau khi Titanic bị chìm làm hơn 1.500 người chết, Liverpool & London đã bồi thường cho gia đình các nạn nhân và do đó, công ty trở thành chủ các tài sản cá nhân trục vớt từ Titanic cũng như còn trong xác tàu. Một tòa án Mỹ ở Virginia năm 1993 cũng tuyên Liverpool & London có quyền sở hữu các tài sản cá nhân trên Titanic.

Tháng 7 rồi, Premier Exhibitions, một công ty ở Atlanta (Mỹ) đã hoàn tất hợp đồng với Liverpool & London – với một khoản thanh toán “đáng kể” nhưng không công bố – để được quyền sở hữu toàn bộ đồ vật cá nhân trục vớt từ tàu Titanic. Premier đã có 7 chuyến thám hiểm trục vớt đồ vật từ tàu Titanic và đang lập kế hoạch cho chuyến thứ 8, làm các phim tài liệu về nơi tàu chìm và công việc trục vớt.

Bộ sưu tập do Premier trục vớt từ Titanic với hơn 6.000 món, từ tiền xu, đồ sứ, trang sức, khuy cài măng sét, tới những cuốn nhật ký, tiền giấy..., đang được Premier đưa đi trưng bày khắp thế giới, thu về nguồn lợi không nhỏ.

Kêu gọi quốc tế bảo vệ

Theo các chuyên gia, thời gian không còn nhiều cho Titanic, xác tàu đang nhanh chóng tan rã và trong từ 10 đến 50 năm nữa tàu sẽ sụp đổ hẳn. Ngoài việc bị săn tìm cổ vật, bị ăn mòn tự nhiên, Titanic còn bị nhiều hư hại do các tour tham quan xác tàu bằng tàu lặn. Nhà khoa học Robert Ballard đã cảnh báo việc hiện nay boong tàu bị hư hại nặng, cột cờ cũng gần như hỏng hẳn... Theo ông, ngoài tác động của thời gian, còn do các tàu trục vớt cổ vật, tàu lặn du lịch gây ra.

 Nhà khoa học Robert Ballard: “Biển sâu là bảo tàng lớn nhất thế giới, tuy nhiên cửa của nó lại... không có khóa”.

Theo dự thảo hiệp ước giữa Anh, Mỹ, Canada và Pháp (do Anh khởi xướng từ thập niên 1990), mọi thứ từ tàu Titanic, như mảnh vỡ thân tàu, vật dụng, hàng thủ công mỹ nghệ, trang sức, các tài sản khác và cả hài cốt của hàng trăm nạn nhân, sẽ được bảo vệ chống những kẻ săn tìm di vật. Hiệp ước sẽ là bước quan trọng để bảo đảm xác tàu Titanic chính thức trở thành nghĩa trang và đài tưởng niệm hàng hải quốc tế, sẽ giúp tăng cường bảo vệ xác tàu, bảo vệ ý nghĩa khoa học, văn hóa và lịch sử của nơi này và thu hút hơn nữa sự quan tâm của thế giới với một di sản văn hóa dưới nước quan trọng.

Nếu được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, Mỹ sẽ cùng Anh chính thức thừa nhận hiệp ước này và đương nhiên áp dụng cho cả Canada và Pháp (2 nước chưa quyết định), bởi chỉ cần 2 nước phê chuẩn là hiệp ước có hiệu lực cho cả 4 nước đưa ra dự thảo.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục