Tây Nguyên - Gian nan chuyện học

Tây Nguyên mùa mưa, những con đường dài trơn trượt, nhầy nhụa bùn đất đỏ bazan. Những con dốc cao, những khúc sông sâu cản trở bước chân con trẻ đến lớp. Từng ngày, từng ngày, các thầy cô giáo và các em học sinh vùng sâu, vùng xa phải vật lộn với những khó khăn…
Tây Nguyên - Gian nan chuyện học

Tây Nguyên đang từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, từng bước đi lên cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và những tiềm năng, thế mạnh của mình. Đặc biệt sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên, kinh tế - xã hội vùng này đã có bước chuyển biến mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) được đầu tư nhiều và được coi là một trong những khâu đột phá để nâng cao dân trí. Tuy nhiên, chuyện học hành của con em các dân tộc vẫn hết sức gian nan…

Tây Nguyên mùa mưa, những con đường dài trơn trượt, nhầy nhụa bùn đất đỏ bazan. Những con dốc cao, những khúc sông sâu cản trở bước chân con trẻ đến lớp. Từng ngày, từng ngày, các thầy cô giáo và các em học sinh vùng sâu, vùng xa phải vật lộn với những khó khăn…

Bài 1: Đường dài đến trường

Lớp học nơi cổng trời

Ông Nguyễn Hữu Thiện (trưởng thôn Đắc Kua 5, xã Đắc N’rung, huyện Đắc Song, Đắc Nông) có thâm niên 15 năm làm trưởng thôn. Bao năm qua, ông quyết tâm tìm mọi cách cho thôn mình có điện, đường, đất và con em được học cái chữ. Ông bảo: “Điện, đường và đất sắp có rồi, nhưng cái chữ vẫn còn lo lắm, nhất là khu B. Vì đường sá khó khăn, khu B có 130 em đến tuổi học mẫu giáo nhưng mới có 1/3 đi học, tiểu học có 150 em nhưng 40 em đã bỏ học”.

Vùng sâu Đắc N’rung, cứ mùa mưa, đường lại lầy lội. Ông Thiện vừa quấn xích vào bánh xe máy, vừa nói: “Mùa này, không quấn xích xe không chạy nổi”. Đường đèo dốc dựng đứng, mặt đường bị xói lở chằng chịt, trơn trượt, nhiều lần chúng tôi suýt ngã. Đến dốc Voi, gặp nhiều phụ huynh chở con ra xã học phải đẩy xe. Lũ trẻ cũng góp sức cùng bố mẹ, quần áo lấm lem bùn đất, nhưng không lo, vì đứa nào cũng bọc sẵn một bộ để thay trước khi vào lớp.

Học sinh được phụ huynh đưa đến trường trên con đường lầy lội...

Học sinh được phụ huynh đưa đến trường trên con đường lầy lội...

Chênh vênh trên đỉnh Ea Lang, phân hiệu thôn Ea Rớt của Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắc Lắc) chỉ có 4 phòng học dựng tạm bợ. Ở heo hút nơi cổng trời này, có 7 cô giáo trẻ đang bám trụ để dạy chữ cho con em bà con dân tộc thiểu số. Vượt quãng đường gần 20km, băng qua con đường đất hẹp đầy ổ gà, qua hàng chục dốc dựng đứng, chúng tôi mới đến được thôn Ea Rớt. Thôn hiện ra với những căn nhà lụp xụp của hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao, Nùng... từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào đây.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhuần cho biết, các cô giáo sống khá vất vả, căn nhà lợp tôn, mưa chịu dột, nắng thì nóng hầm hập. Cô giáo Đặng Thị Ly (SN 1989) nhớ lại: Ngày đầu mới vào đây, thấy cảnh hoang vắng, em cũng buồn và sợ lắm, nhưng ở riết rồi cũng quen. Vào những ngày mưa, phần lớn học sinh phải nghỉ.

“Có những em nhà cách trường đến gần chục cây số đường rừng, không có cách nào để theo học được, cố lắm cũng được ít bữa rồi bỏ. Vào mùa thu hoạch, học sinh bỏ lớp càng nhiều. Cô giáo phải lên tận nhà, vận động bố mẹ cho các em trở lại lớp” - cô Trịnh Thị Phương giãi bày.

Một số học sinh ở xa mang theo cơm ăn, chỉ thấy có vắt cơm chấm muối, các cô đành bớt khẩu phần của mình cho các em. Từ hơn 100 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, phân hiệu Ea Rớt cứ thưa dần vì học sinh bỏ học theo cha mẹ lên rẫy, hay lấy chồng, lấy vợ.

Đồng hành cùng hiểm họa

Đến xã An Trung, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) vào những ngày bão lũ càng thấy thương các em học sinh. Những cơn mưa như trút, con sông Ba cuồn cuộn nước. Trên bến sông, con thuyền nhỏ bé, cũ kỹ chở nhóm học sinh về nhà. Đó là con em những nhà “khá giả” đang theo học lớp 3 tại xã bên. Mỗi ngày, các em mất 20.000 đồng cho hành trình đi - về, một năm học là khoản tiền không nhỏ đối với những gia đình nông dân ở đây.

Gương mặt vẫn còn căng thẳng khi bước khỏi con thuyền chòng chành, em Đinh Vít (lớp 3) cho biết: Mùa nắng, cháu cùng bạn bơi qua sông đến trường. Còn mùa này, nước to không dám bơi, phải đi thuyền. Mỗi lần đi mất 10.000 đồng, tốn tiền lắm. Không phải học sinh người Ba Na nào cũng có điều kiện như Đinh Vít, phần lớn các em học sinh ở các làng Biên, làng Kial 1, làng Kial 2 (xã An Trung) đều bơi qua sông. Những lúc nước lớn không thể vượt sông thì đành nghỉ. Ở các xã Chư Drăng, Ia Rmok, Krông Năng, Ia Rsiơm (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), mỗi sáng sớm, từng tốp học sinh đứng xếp hàng chờ lên chiếc “phà” nhỏ (là 2 ca nô ghép lại) để qua sông. Từ ngày cầu Bung bị sập, gần 5 năm qua, những con thuyền nhỏ và chiếc “phà” này là phương tiện đưa các em đến lớp.

Tại xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), thầy Đinh Văn Truyền - Hiệu phó Trường THCS Ngô Quyền cho biết, trường có 3 điểm trường: điểm thứ nhất ở làng Long Zôn, điểm thứ hai ở Đăk Blái, làng Đăk Rơme, điểm thứ 3 ở làng Đăk Sút. Năm học 2011-2012, cả 3 điểm trường có 418 học sinh người dân tộc thiểu số, nhưng chắc chỉ một thời gian thôi, sĩ số học sinh sẽ giảm. Hoàn cảnh gia đình và việc đi lại khó khăn, khiến con đường đến lớp của các em trở nên xa xôi. Hơn 100 học sinh làng Đăk Blái, Đăk Rơme (xã Đăk Ang), muốn đến trường phải đi bộ gần 10km, rồi lội sông, lội suối. Đến lớp, em nào em nấy lạnh cóng, vừa học vừa run.

“Những ngày mưa lớn, đứng bên làng Đăk Blái, Đăk Rơme nhìn con suối chảy qua làng Long Zôn, dõi theo các học trò nhỏ tẹo, suy dinh dưỡng chống chọi với dòng nước, các thầy cô đều rớt nước mắt” - thầy Đinh Văn Truyền tâm sự.

Tại khu vực thác 12, sông Krông Nô, chúng tôi chứng kiến cảnh vượt sông bằng đò kéo hết sức nguy hiểm. Một sợi dây thừng vắt ngang nối 2 bờ sông (Đắc Nông - Lâm Đồng), hai người nắm vào dây kéo con đò nhỏ qua lại, đưa người lớn đi rẫy, đi chợ, học sinh đến lớp.

Cô giáo Đặng Thị Soa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, và thầy Phan Vĩnh Nhựt, Hiệu trưởng Trường TH Lương Thế Vinh (xã Đạ Rsal, Đam Rông, Lâm Đồng) cho chúng tôi gặp một số em từ huyện Đăk Glong, tỉnh Đắc Nông sang học tại đây. Sáng, chiều mỗi ngày các em phải đi, về qua sông Krông Nô bằng đò kéo. Các thầy cô đều biết việc các cháu nhỏ đi qua sông như thế này là không an toàn, nhưng vì các cháu và gia đình có nguyện vọng học bên này, biết làm thế nào. Thực tế, số học sinh Đắc Nông, Đắc Lắc học tại trường tới hàng trăm em, nhưng để hợp thức (đúng tuyến), nhiều gia đình đã nhờ nhập hộ khẩu Lâm Đồng.

... và vượt sông trên chiếc đò kéo mong manh.

... và vượt sông trên chiếc đò kéo mong manh.

Bám trụ

Xã Ea Đá, một trong những xã vùng sâu khó khăn nhất của huyện Krông Năng, Đắc Lắc. Ngay tại trung tâm xã, nhưng việc học của con em thôn tái định cư Đông Giang thật vất vả. Năm 2006, trước bức xúc về việc dân di cư tự do lấn chiếm rừng phòng hộ làm nương rẫy, Ban Quản lý rừng đầu nguồn Krông Năng đã lập dự án di dời, ổn định 90 hộ dân thôn Đông Giang tại tiểu khu 342A.

Mỗi hộ được hỗ trợ 2 triệu đồng cùng đất sản xuất (5.000m²/hộ) và nhà ở theo Chương trình 134. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, phần lớn các hộ lại quay về thôn cũ (cách đó chừng 10km đường đất) vì đất này bạc màu, sỏi đá. Hầu hết con cái họ phải theo bố mẹ về làm nương rẫy. Một số gia đình để con cái ở lại học thì chúng phải tự lo chuyện ăn ở.

Khi chúng tôi đến đây, trong 90 ngôi nhà thôn Đông Giang mới, chỉ khoảng hơn chục nhà có người ở. Trong căn nhà trống trải, bốn anh em Tráng A Hường (học lớp 3), Tráng A Dình (lớp 1), Tráng A Quang (lớp 2) và Tráng Thị Bồng (lớp 1) tự lo cho nhau từ cái ăn đến cái học. Bữa cơm của các em chỉ có mì gói làm canh, cá khô và khúc bí.

A Hường nói: “Bình thường, mỗi tuần bố mẹ ra thăm một lần và mang thức ăn ra, nhưng lúc bận, hay trời mưa, cả tháng bố mẹ mới ra”.

Đối với anh em Hường, ăn sáng là thứ gì đó rất xa xỉ, vì gạo, thức ăn bố mẹ mang chỉ đủ dùng bữa trưa và bữa tối. Ở đối diện, hoàn cảnh của 5 chị em Sùng A Xê (học lớp 5) cũng kham khổ không kém. Bố mẹ ở thôn cũ làm rẫy, chị em A Xê phải tự chăm lo cho nhau, bữa ăn cũng chỉ có mì gói, cá khô, rau rừng. 

NHÓM PV


Bài 2: Tiếp sức đến trường

Để rút ngắn con đường đến trường của học sinh, các tỉnh Tây Nguyên đang thực hiện phương châm “Ở đâu có dân, ở đó có lớp học”. Nhờ đó, trường lớp đã về đến tận thôn bản. Hiện khu vực Tây Nguyên có trên 3.500 trường học và cơ sở đào tạo, 39.400 lớp học, 73.600 giáo viên bám trụ. Để duy trì, phát triển giáo dục ở vùng miền núi xa xôi này, nhà nước và các địa phương đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ; nhiều tổ chức, cá nhân đang chung tay tiếp sức cho các em học sinh.

Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Đam Rông (Lâm Đồng) được Vietcombank tài trợ kinh phí xây dựng. Ảnh: Bích Hiền

Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Đam Rông (Lâm Đồng) được Vietcombank tài trợ kinh phí xây dựng. Ảnh: Bích Hiền

Lớp học ở làng Mông

Huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng là một trong 62 huyện nghèo nhất nước (thuộc chương trình 30A). Huyện mới được hình thành từ 8 xã vùng sâu, vùng xa nhất của 2 huyện Lâm Hà và Lạc Dương nên kinh tế - xã hội chưa phát triển, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ nỗ lực của địa phương những năm qua, tình hình giáo dục ở đây chuyển biến khá rõ nét. Hiện trên địa bàn huyện có 33 trường và 1 trung tâm giáo dục với 437 lớp học. Hầu hết các thôn bản đều có lớp mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Gần một nửa số phòng học (141/373) được kiên cố hóa; chỉ còn 22 phòng học tạm (nhà gỗ) và 12 phòng học mượn hội trường thôn (cho các lớp mầm non); 60 lớp học đang xây và sẽ hoàn thành trong năm học này.

Chúng tôi đến thôn 5 (làng Mông) của xã Rô Men, một thôn mới với 100% bà con dân tộc Mông từ các tỉnh Lào Cai, Hà Giang vào đây sinh sống. Tại đây cũng có một điểm trường với dãy lớp học khá khang trang. Điểm trường này có cả tiểu học (5 lớp) và trung học cơ sở (3 lớp). Tuy mỗi lớp chỉ 15 - 20 em nhưng các thầy cô vẫn nhiệt tình giảng dạy.

Cô hiệu trưởng Dương Thị Bình cho biết: Những năm qua, trường được đầu tư khá đồng bộ từ trường lớp, nhà công vụ, bàn ghế, đồ dùng học tập. Ngoài ra, tại hội trường thôn còn có một lớp mẫu giáo. Tuy khó khăn nhưng các thầy cô rất gắn bó với nhà trường. Phòng Giáo dục huyện đã đưa về 3 giáo viên người dân tộc thiểu số (DTTS) là thầy Lý Seo Vần (dân tộc Mông), cô Nông Thị Tuyết (Tày), thầy Cil Mup Ha Tiên (Cill). Thầy cô người DTTS không chỉ dạy chữ mà còn làm công tác vận động, thu hút học sinh đến trường. Chính vì vậy, việc duy trì sĩ số của các lớp khá tốt.

Trưởng thôn Giàng Seo Long cho biết: Dạo này đời sống của bà con ổn định rồi. Nhà nước đã lo cho đường đi, nhà cửa, trường học, điện thắp sáng, rồi giao đất trồng rừng nữa. Từ rẫy cà phê, cây mì, không còn hộ nào đói. Nhiều nhà đã mua sắm xe máy và đồ dùng gia đình. Đời sống khá lên, các gia đình mới quan tâm đến chuyện học hành của con cái.

Thầy Trần Phú Vinh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đam Rông, tỏ ra tâm đắc với các điểm trường làng, anh nói: “Phải đưa lớp học về tận thôn bản thế này mới duy trì được việc học hành cho các em. Còn đi xa các em không theo nổi. Có những đoạn đường vào thôn chỉ chục cây số nhưng mùa này không cách gì đi được. Chỉ có phương án thầy cô và lớp học về tận thôn tìm học sinh thôi!”.

Huy động nguồn lực xã hội

Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, từ 2008 đến  2010, các tỉnh Tây Nguyên đã xây mới 3.500 phòng học; 1.936 phòng giáo viên; từ 2005 đến 2009 chi 267 tỷ đồng trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, đến nay còn 100 xã chưa có trường mầm non; thiếu 4.700 giáo viên các cấp so với chỉ tiêu biên chế.

Muốn phát triển Tây Nguyên phải tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo tay nghề, nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng lao động. Trong đó, giáo dục - đào tạo là biện pháp căn bản, lâu dài để tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Địa hình cách trở, đường sá đi lại khó khăn, nhiều học sinh nhà xa không thể đi về trong ngày, từ đó, mô hình bán trú hình thành và nhân rộng ở nhiều địa phương Tây Nguyên.

Tại Đắc Lắc, sau 8 năm triển khai, đến nay tỉnh đã xây dựng được 10 trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện, với gần 1.000 học sinh theo học.

Chính mô hình này đã “giữ chân” các em ở lại với trường lớp, giảm hẳn tình trạng bỏ học. Tổng kết năm học 2010 - 2011, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng của tỉnh giảm từ 1,03% xuống còn 0,89%.

Tại Kon Tum, hiện có 67 trường tiểu học và trung học cơ sở tổ chức mô hình bán trú dân nuôi, với trên 9.300 học sinh. Cô Bùi Thị Vân Kiều, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tu Mơ Rông, cho hay: Với mô hình này, có thể duy trì sĩ số học sinh đạt trên 95%, chất lượng học tập khá tốt. Tính chung cả vùng hiện có gần 500 cơ sở bán trú và đang tiếp tục được mở rộng. Để giúp các em vùng sâu, vùng xa có thêm điều kiện đến trường, nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh các trường dân tộc bán trú (bằng 40% mức lương tối thiểu chung trong 9 tháng/năm học/học sinh, theo Quyết định 85/CP-2010). Đối với học sinh nghèo và học sinh người DTTS cũng được miễn học phí và hỗ trợ 70.000 đồng/tháng/em theo Nghị định 49/CP, ngoài ra, các tỉnh đều có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ với khả năng cao nhất.

Cùng với các chính sách, chương trình mục tiêu của nhà nước, những năm qua, các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã nhận được sự đóng góp tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp. Đối với những nơi này, ý nghĩa của việc thiện được nhân lên gấp bội.

Đầu năm học 2011 - 2012, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) khánh thành một trường dân tộc nội trú khá khang trang, đầy đủ phòng học, ký túc xá, phòng học bộ môn, nhà giáo viên, nhà ăn cho 230 học sinh DTTS đang học các lớp 6, 7, 8, 9 do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) xây tặng, với kinh phí 27,5 tỷ đồng.

Thầy hiệu trưởng Đinh Trọng Bảy cảm động nói: “Ở một huyện nghèo, thầy trò chúng tôi có được cơ ngơi như thế này quả thật rất vui”. Ông Trần Bình An, Giám đốc Vietcombank Đà Lạt, cho rằng: “Đóng góp phát triển giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, càng cần có sự chung tay góp sức”.

Cùng với Vietcombank, chúng tôi còn thấy danh sách nhiều cơ quan, doanh nghiệp giúp huyện Đam Rông xây trường lớp, như Tập đoàn TKV, Công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Lâm Đồng… Doanh nghiệp lớn giúp nhiều, doanh nghiệp nhỏ giúp ít hơn, cả vật chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện cảm động về những người dân bình thường sẵn sàng hiến đất xây trường, về ông cán bộ lâm nghiệp Phạm Văn Biện, BQL rừng Sêrêpok bỏ công, bỏ của dựng lớp dạy chữ cho con em DTTS ở thôn Đạ Mbo.

Rất nhiều, rất nhiều những tấm lòng, những việc làm nhân nghĩa, những mong đem đến cho con em các dân tộc vùng Tây Nguyên xa xôi này manh áo ấm, bát cơm đầy và những con chữ. Năm ngoái, sau khi thấy cảnh các em học sinh Kon Tum phải đu dây qua sông, bạn đọc một tờ báo đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng để xây cầu treo bắc qua sông Pôkô.

Năm nay, sau khi có thông tin gần 100 học sinh thị xã Gia Nghĩa hàng ngày phải đi bè đến Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, tỉnh Đắc Nông cũng đã chỉ đạo các ban ngành chức năng gấp rút thi công cầu phao qua hồ thủy điện Đắk Rtih và trong tháng 11 này sẽ đưa vào sử dụng. Mỗi năm có hàng ngàn suất học bổng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tới tay các học sinh nghèo, học sinh DTTS…, tiếp sức cho các em đến trường.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được xác định là khâu đột phá để nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực phát triển Tây Nguyên. Bộ Giáo dục - Đào tạo xác định: Trong những năm tới, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới trường lớp, đi đôi với bảo đảm chất lượng dạy - học; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ và mạnh; các bộ ngành, các trường đại học trọng điểm trong vùng cùng bắt tay tạo bước chuyển biến mạnh trong đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục