Tây Nguyên rộn rã vào mùa

Tây Nguyên rộn rã vào mùa

Tháng ba, tiết trời cao nguyên se lạnh, như ấm lại bởi bừng bừng sắc đỏ cờ, hoa, biểu ngữ kỷ niệm 36 năm Ngày Giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột; và nườm nượp dòng người từ các ngả đổ về trung tâm thành phố dự Lễ hội cà phê Ban Mê lần thứ 3. Trong cái tổng thể phong phú và hoành tráng các hoạt động lễ hội, chương trình của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền khiêm nhường ở một góc, một đêm tại hội chợ phố núi. Đó là đêm giao lưu ca múa nhạc “Đêm hội vào mùa”.

Nông dân xã Ea Pôk, Cư M’gar, Đắk Lắk chăm sóc cà phê

Nông dân xã Ea Pôk, Cư M’gar, Đắk Lắk chăm sóc cà phê

Bố cục chương trình gồm các phần: Trao giấy khen, kỷ niệm chương và quà của công ty cho 200 nông dân tiêu biểu và xuất sắc tại 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum); giao lưu với các nhà khoa học, các nhà quản lý nông nghiệp và Tổng Giám đốc Công ty Bình Điền; thưởng thức chương trình ca múa nhạc đặc sắc do nhóm ca sĩ TPHCM, nhóm Sắc màu Nha Trang và Đoàn ca múa nhạc Đắk Lắk biểu diễn… tập trung lại cũng là để Công ty Bình Điền tri ân bà con nông dân, những người đã một nắng hai sương góp phần quan trọng nhất làm nên cái hương vị thơm ngon, đậm đà, đặc trưng của cà phê vùng đất đỏ bazan Đắk Lắk.

Từ những câu hỏi làm sao để cứu được vườn cà phê đã có trên 30 năm tuổi? Giá cả vật tư nông nghiệp đang tăng cao, làm khó cho nhà nông? Đến sự sát sườn với Công ty Bình Điền: Phân bón Đầu Trâu tốt lắm, nhưng giá bán hơi cao… đều được các nhà quản lý, các nhà khoa học trả lời thỏa đáng.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền - Lê Quốc Phong phân giải: “Giá phân bón tăng là do giá dầu mỏ tăng cao. Giá phân bón trên thị trường thế giới tăng đến trên 30%, nhưng Bình Điền chỉ tăng giá từ 10 đến 15%. Được vậy là do Bình Điền luôn chủ động nguồn dự trữ nguyên liệu để bảo đảm sản xuất đủ, với chất lượng tốt nhất mà giá cả lại hợp lý nhất. Bình Điền đã, đang và không bao giờ “làm khó” bà con nông dân, bởi chúng tôi luôn ý thức được rằng chính nông dân là người nuôi dưỡng, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của công ty. Bằng chứng là gian hàng giới thiệu sản phẩm của Bình Điền chỉ nhỏ bé, khiêm nhường ở một góc hội chợ nhưng lúc nào cũng nườm nượp người đến viếng, để coi, để nhận hướng dẫn và các mẫu sản phẩm phân bón của Bình Điền. Bằng chứng là vào thời điểm này (chưa thật sự vào vụ), mà phân bón Đầu Trâu làm ra không đủ giao, phải xin lỗi khách hàng. Công ty luôn phải làm gì có thể làm được để đáp trả ân tình đó của bà con. Như việc kết nghĩa, đỡ đầu cho một buôn mấy năm nay, là bắt nguồn từ cái lẽ ân tình đó. Nhà nước, chính phủ làm sao lo nổi cho hết được bà con, cho hết được mọi vùng miền. Doanh nghiệp phải vào cuộc thôi. Lo được gì cho bà con nông dân buôn làng xa xôi thoát cái nghèo, văn minh lên được là Bình Điền ráng làm đến hết sức mình”. Phó Ban Dân vận tỉnh Đắk Lắk - Lê Thành Lễ rất tâm đắc với việc làm của Bình Điền. Ông nói: “Đảng, Nhà nước cần nhân rộng mô hình này”. Ông “mong sao ngày càng nhiều doanh nghiệp có cái tâm và việc làm thật cụ thể, mà hiệu quả lại thật rõ ràng, thiết thực như Bình Điền đã và đang làm với đồng bào Tây Nguyên”.

Về đêm, cái lạnh phố núi có tăng, nhưng không đủ làm dịu sức nóng của sàn diễn. Các nghệ sĩ đã “cháy” hết mình trong các ca khúc, điệu múa ngợi ca Tây Nguyên giàu đẹp, anh hùng. Ca sĩ Thanh Sử với ca khúc “Tình cây và đất”, “Giấc mơ Chapi”, ca sĩ Đình Nguyên với “Nồng nàn cao nguyên”; Hồng Lê với “Lại đến tháng ba”; Mira với “Tình ca cao nguyên”…Nhưng có lẽ người gây được ấn tượng mạnh nhất trong đêm nhạc lại chính là “ca sĩ nhà” Lê Quốc Phong. Người Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc công ty này đã từng phải vật lộn với biết bao khó khăn, vất vả để cho ra đời Album tiếng hát của mình, trong đó ca khúc “Hương bùn”, do chính ông sáng tác để tặng bà con nông dân. Hôm nay, trong trang phục người dân Eđê, ca khúc “Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời” do ông trình bày đã làm lặng phắc một góc sân hội chợ. Tôi nhìn xuống. Cả “rừng” người nghe. Có lẽ phần lớn khán giả đi tham quan hội chợ đã đổ về đây, để chung vui, thưởng thức và để nhận lời tri ân tha thiết nhất của Công ty Bình Điền. Hàng rào bảo vệ phải rất vất vả mới giữ được khán giả không tràn vào hai bên cánh gà, là khu kỹ thuật của sân khấu.

Không chỉ ở đây, mà giờ này bà con nông dân ở 5 tỉnh Tây Nguyên đều đang được thưởng thức đêm giao lưu văn nghệ trên tivi nhà mình. Đây lại là một nghĩa tình nữa của Đắk Lắk với Bình Điền. Tôi còn chưa phai cái men say trong bữa cơm chiều hôm trước của tổ công tác Bình Điền với anh em Đài Phát thanh Truyền hình Đắk Lắk. Một bữa cơm “công việc” mà cả Phó Bí thư thường trực, Phó Chủ tịch tỉnh và Giám đốc Đài PTTH tỉnh tới dự. Tình nghĩa quá. Ăn uống chỉ là phụ; cái chính là dành cho sự tri kỷ, tâm tình. Bình Điền mang ơn nông dân, nhưng thay mặt nông dân tỉnh nhà, ông Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy lại mang ơn Bình Điền. Nói chính xác là cám ơn những sản phẩm phân bón chất lượng cao của Bình Điền… Thôi thì… Hãy siết chặt tay nhau, tất cả vì bà con nông dân, vì sự giàu mạnh của tỉnh nhà, của đất nước.

Ca sỹ, nhạc sĩ Hoàng Thúc (Ban Văn nghệ Đài PTTH Đắk Lắk) sau một hồi “biến mất”, đã có mặt trở lại với cây ghi ta thùng. Các ca sĩ Thanh Sử, Đình Nguyên và các “giọng ca nhà” thay nhau gởi tâm tình của mình vào các ca khúc viết về Tây Nguyên. Nhạc sĩ Hoàng Thúc có nhiều ca khúc phổ thơ thành công, chính thơ của Tô Thanh Bình -  Giám đốc Đài, vừa đàn vừa hát ca khúc “Cao nguyên trong tôi” với giai điệu thật trữ tình, sâu lắng “… rượu cần say say men con gái…”.

Con gái, được sánh, được gọi như cái đẹp nhất của đất trời, biểu tượng của sự căng đầy, nồng nàn và sinh sôi. Nơi ấp ủ, nâng giấc cho mọi thành công, như ca từ ca khúc “Đường đến đỉnh vinh quang” do ca sĩ Đình Nguyên hát, khép lại chương trình đêm hội. Sân hội chợ vỡ òa. Tôi nhận thấy rất rõ những gương mặt bà con nông dân hớn hở, mãn nguyện. Tây Nguyên rộn rã vào mùa.

Trần Đình Thế

Tin cùng chuyên mục