Mặc dù còn 2 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng không khí tết đã đến với các trẻ mồ côi, khuyết tật đang được nuôi dưỡng ở các cơ sở bảo trợ xã hội tại TPHCM. Một chút quà nhỏ của cộng đồng cũng là niềm vui lớn của những trẻ em thiệt thòi vào lúc này.
- Hương vị tết sớm
Đến Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, không khí tết đã đến từng phòng. Cô giáo Thân Thị Thanh Khiêm đang cùng các em nhỏ ở đây kết từng bình hoa đào, hoa mai để chuẩn bị tết. Mặc dù bị thiểu năng trí tuệ nhưng Hồ Anh Phúc (9 tuổi) vẫn rất chăm chú kết từng cành hoa lên cây mai rất kéo léo.
Phúc khoe: “Tết đến rồi. Được đi chơi, được lì xì. Thích lắm!”. Cô Khiêm cho biết, các em ở đây đa phần là bị khuyết tật và mồ côi rất tội nghiệp. “Để vơi nỗi trống vắng trong lòng các em, vào những ngày tết, chúng tôi cố gắng hết sức để các em cảm nhận được không khí của một gia đình. Những em ở lại líu ríu bên cô bảo mẫu, lặt lá mai, dọn dẹp phòng ở, dán câu đối, hoa mai vàng lên mỗi cửa phòng. Các em tự hào khoe những cánh hoa mai do mình tự gắn được vào thân cây và cho đó như là một kỳ tích”, Khiêm tâm sự.
Tại phòng săn sóc đặc biệt dành cho các em bại não, khuyết tật vận động, hoa mai được dán khắp tường cùng với những câu “Chúc mừng năm mới” được treo khắp phòng. Cô giáo Nguyễn Thị Nga cho biết, nhóm trẻ này không tự vận động được nên các giáo viên ở đây tranh thủ những lúc rảnh rỗi đến trang trí và kể chuyện cho các em nghe về ngày tết. Mặc dù không cảm nhân hết nhưng khi thấy những cánh hoa dán trên tường hay treo trên cao các em rất vui và thích thú. “Mỗi em ở đây là một mảnh đời bất hạnh. Có em bị người thân bỏ rơi, có em bố mẹ đều đã qua đời, người thân quá nghèo không đủ khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng”, cô Nga xúc động.
Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp đang nuôi dưỡng trên 230 trẻ mồ côi, khuyết tật. Mỗi em mỗi dạng khuyết tật nhưng đều có chung một hoàn cảnh là bị bố mẹ bỏ rơi từ lúc còn đỏ hỏn. Xúng xính trong bộ quần áo mới, em Nguyễn Thị Thủy bị khiếm thính, hớn hở chạy khắp nhà khoe với mọi người. Nhưng vừa khoe xong, Thủy lại thay quần áo và đưa cho mẹ cất để hôm nào đi chơi mới mặc. “Đã hơn 30 năm làm bảo mẫu tại đây, mặc dù đã có gia đình riêng nhưng tôi vẫn thương tụi trẻ như con của mình. Các cháu thật tội, đã mồ côi lại còn khuyết tật. Chính vì vậy mà phải thương các cháu hơn để bù đắp phần nào thiệt thòi các cháu phải gánh chịu”, bảo mẫu Đỗ Thị Nhung bộc bạch.
- Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Để các em không cảm thấy trống vắng, lãnh đạo các trung tâm, mái ấm, nhà mở cũng đã tạo nên không khí ấm cúng của một đại gia đình. Ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức, cho biết: “Được sự quan tâm của lãnh đạo TP, năm nào cũng vậy, tết đến, tại đây đều tổ chức lễ hội xuân cho các cháu với nhiều hoạt động như gói bánh tét; tổ chức các chương trình ca nhạc, liên hoan, các trò chơi dân gian… để các cháu quên đi những khiếm khuyết của mình”.
Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Quê Hương Huỳnh Tiểu Hương cũng bày tỏ: Mặc dù còn khó khăn nhưng trung tâm vẫn tạo mọi điều kiện để các trẻ mồ côi, khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại đây có một cái tết vui vẻ, ấm cúng. Hiện trung tâm nuôi dưỡng trên 300 trẻ mồ côi, khuyết tật, trong đó có đến 60% là trẻ khuyết tật và trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Năm nay, trung tâm đã dồn sức xây dựng được một khu nhà mới khang trang cho các em. “Nói như vây không phải đã hết khó khăn. Năm mới lại đã cận kề, làm sao để mỗi em có được một bộ quần áo mới, một cái bánh chưng là cả sự trăng trở. Trung tâm hy vọng cộng đồng cùng chung sức để các cháu có được mùa xuân ấm áp…”, bà Hương nói.
Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, các mạnh thường quân, nhiều sinh viên cũng tình nguyện đến các mái ấm, nhà mở... để mang chút hương xuân đến các trẻ nhỏ thiếu may mắn. “Đến đây với các em tôi thấy mình còn may mắn. Tôi có gia đình, có điều kiện hơn cần phải chăm lo nhiều hơn cho các em thiệt thòi”, Trần Hồ Trường An, sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM chia sẻ.
Chúng tôi xin mượn lời của bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè để thay cho lời kết: “Các em mồ côi, khuyết tật thiếu thốn cả vật chất và tình cảm nên dễ tủi thân, nhất là trong những dịp lễ tết. Đây chính là lúc cần cả cộng đồng chung tay để giúp các em quên đi nỗi bất hạnh”.
HỒ THU