Còn hơn 2 tháng nữa đến tết cổ truyền dân tộc nhưng ngay từ bây giờ, các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp ở TPHCM đã có kế hoạch chuẩn bị chăm lo tết cho người nghèo, trong đó có phần đông công nhân, người lao động nghèo, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người có thu nhập thấp. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý, truyền thống của dân tộc. Mỗi độ tết đến, xuân về, truyền thống này lại được phát huy mạnh mẽ, trở thành phong trào cả xã hội chung tay, góp sức chăm lo cho người nghèo.
Năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội TP gặp nhiều bất lợi, ảnh hưởng lớn đến thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chăm lo Tết Quý Tỵ cho người nghèo. Song, dẫu cả năm có khó khăn thế nào và người lao động nghèo phải vật lộn kiếm sống ra sao, thậm chí lo từng bữa cơm thì họ vẫn cố lo cho ba ngày tết cổ truyền dân tộc. Ngoài sự chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể nhân dân, cần huy động mọi nguồn lực xã hội của các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm và bao tấm lòng nhân hậu “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” của người dân TPHCM.
Những sẻ chia đầy ân tình từ lâu đã trở thành nét lấp lánh trong hành xử của người dân ở thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu - TPHCM - nơi khởi nguồn phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo gia đình chính sách nghèo. Do vậy, việc chăm lo tết cho người nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Ngay từ bây giờ, chính quyền cơ sở nắm rõ số lượng, hoàn cảnh của từng hộ nghèo, công nhân nghèo, gia đình chính sách khó khăn, người lao động không có điều kiện về quê đón tết để có sự trợ giúp thiết thực, cụ thể và đúng đối tượng. Năm 2012 là năm hàng loạt doanh nghiệp do quá khó khăn đành phải giải thể hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, giảm lao động để sản xuất cầm chừng, thậm chí có chủ DN bỏ trốn, bỏ mặc công nhân bơ vơ. Tình hình này đòi hỏi phải có sự vào cuộc kịp thời của hệ thống chính trị cùng sự chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng. Hiện nay, liên đoàn lao động các cấp theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân để đề xuất với chính quyền TP giải quyết kịp thời, thỏa đáng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công nhân, người lao động.
Theo dự kiến, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM dù đang gặp muôn vàn khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng vẫn có kế hoạch chăm lo tết cho công nhân. Việc Công ty Pouchen (quận Bình Tân) dự kiến dành ra 600 tỷ đồng để thưởng tết cho công nhân, giúp công nhân ở công ty này phấn khởi, an tâm sản xuất và có kế hoạch chuẩn bị tết cho gia đình mình.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp thể hiện chăm lo cho công nhân với phương châm “chăm lo đời sống công nhân chính là chăm lo cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững”. Điều này càng khẳng định, chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp chính là hiểu rõ, cảm thông và chia sẻ với công nhân của mình. Tiền thưởng, quà tết dù lớn hay nhỏ căn cứ vào kết quả kinh doanh năm 2012 của mỗi đơn vị cũng đều có một ý nghĩa thiết thực, tạo ra tình cảm ấm áp, gắn bó như trong đại gia đình khi tết đến xuân về trong không khí đón tết cổ truyền dân tộc.
Những việc làm này của các DN không chỉ góp phần xây dựng, phát triển mối quan hệ lao động lành mạnh, nghĩa tình, góp phần hạn chế được tranh chấp lao động có thể xảy ra trong thời điểm tết mà qua đó tạo động lực cho sản xuất, tạo niềm tin cho công nhân làm việc lâu dài cho doanh nghiệp, nhất là sau đợt nghỉ tết - thời điểm thường khan hiếm lao động.
Người nghèo, công nhân lao động nghèo, người có thu nhập thấp dù làm bất cứ công việc lương thiện gì nuôi sống bản thân cũng đều góp phần cho sự phát triển chung của TPHCM. Hơn lúc nào hết, họ đang cần được sự quan tâm chia sẻ từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ngành chức năng, các tổ chức xã hội từ thiện và cả cộng đồng nhân dịp đón tết cổ truyền dân tộc. Những món quà, tiền thưởng cùng sự chăm lo khác về vật chất và tinh thần sẽ tạo điều kiện cho công nhân, người lao động đón một mùa xuân vui tươi, đầm ấm hơn.
TUẤN SƠN