Những ngày này, không khí Tết chộn rộn khắp nơi, nhất là các hoạt động kinh doanh, vật tư hành khách, trang trí đón tết… Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng gấp rút hoàn thành những phần việc cuối cùng để chuẩn bị nghỉ tết, tham gia các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, công nhân, người lao động nghèo… Thực tế cho thấy, để đón tết trong bầu không khí vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Những ngày giáp tết thường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, có vụ làm chết nhiều người, hay xảy ra các vụ cháy nổ, ngộ độc thực phẩm, bán hàng gian, hàng giả và tình hình trộm cắp, cướp giật tài sản người đi đường. Để việc đi lại của người dân thuận tiện và bảo đảm an toàn, cần phân luồng, tổ chức giao thông hợp lý, giảm ùn tắc giao thông; bảo đảm trật tự, an toàn tại các bến xe, bến tàu, nhà ga và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong dịp tết. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp dừng, đỗ phương tiện không đúng quy định, các điểm trông giữ xe trái phép, thực hiện sai quy định về giá dịch vụ. Kiểm tra chặt chẽ công tác bảo đảm an toàn cháy nổ, đặc biệt là tại những địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại...
Ngày giáp tết cũng là thời điểm tình trạng lãng phí xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc dư luận trong khi đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý là tình trạng đi lễ chùa đốt nhiều vàng mã, tổ chức lễ hội phô trương, tốn kém và có xu hướng thương mại hóa đang ngày một phổ biến, không chỉ gây phản cảm mà còn làm méo mó về văn hóa tín ngưỡng tâm linh.
Càng gần ngày tết, lợi dụng sơ hở của người dân, các hoạt động trộm cắp, cướp giật càng có điều kiện lộng hành. Một mặt người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng chống cho chính mình, nhưng mặt khác ngành Công an và các lực lượng chức năng cần bố trí đủ lực lượng tuần tra, kiểm soát, nhất là tại những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; kiên quyết triệt phá các đối tượng, ổ nhóm cướp giật, băng nhóm tội phạm “xã hội đen”, tàng trữ và sử dụng hung khí, cờ bạc.
Giáp tết và trong tết là cơ hội để các cơ quan và mọi người đi lại thăm hỏi, tặng quà, động viên lẫn nhau. Đây là truyền thống văn hóa, thể hiện tính nhân văn của dân tộc ta. Tuy nhiên, tình trạng này đang có nhiều lệch lạc, gây ra sự lãng phí rất lớn, có lúc đặc biệt nghiêm trọng; nhiều hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng việc thăm hỏi tết để vụ lợi, thương mại lễ hội, đã gây bức xúc dư luận. Đã không ít ban tổ chức lễ hội mời khách là một số cán bộ lãnh đạo, quản lý tham dự chưa đúng các quy định đã ban hành.
Chính vì vậy, các cơ quan, đơn vị mà trước hết là bí thư cấp ủy, người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần của Chỉ thị số 41-CT/TƯ, ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Đã đến lúc phải mở cuộc vận động sâu rộng xây dựng nếp sống văn minh trong ngày tết, lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa, lãng phí, phiền nhiễu, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan; lợi dụng những ngày lễ, tết để vụ lợi; chống thương mại hóa lễ hội. Nhưng về lâu dài, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân và cán bộ, đảng viên cần xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên; tăng cường tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Việc gương mẫu, chấp hành các quy định trong chỉ thị này cần phải coi là một tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong công tác quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, kể cả trong việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới.
TUẤN SƠN