Tết của người Việt xa quê

Những ngày giáp tết, đoàn từ thiện do Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức, đã sang Campuchia để mang xuân sớm đến bà con kiều bào đang tất bật mưu sinh nơi xứ người. Đoàn có mặt tại thủ đô Phnom Penh ngày hôm trước để hôm sau có mặt sớm ở nơi tập trung tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 500 bà con kiều bào và dân nghèo Campuchia đang sống tại phường Nê Rôth, quận Chbar Ompoeur, TP Phnom Penh.
Tết của người Việt xa quê

Những ngày giáp tết, đoàn từ thiện do Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức, đã sang Campuchia để mang xuân sớm đến bà con kiều bào đang tất bật mưu sinh nơi xứ người. Đoàn có mặt tại thủ đô Phnom Penh ngày hôm trước để hôm sau có mặt sớm ở nơi tập trung tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 500 bà con kiều bào và dân nghèo Campuchia đang sống tại phường Nê Rôth, quận Chbar Ompoeur, TP Phnom Penh.

Đường vào nơi khám bệnh và tặng quà kiều bào và người dân nghèo Campuchia khá gập ghềnh, chung quanh là các khu phố nghèo ven đô Phnom Penh. Điểm đến là một trường học dành cho trẻ em Việt Nam. Ngôi trường xây chắc chắn nhưng lại khá sơ sài, thiếu thốn. Nhiều người dân đã đến từ sớm với vẻ mặt khắc khổ, da ngăm đen, thân hình gầy guộc… nhẫn nại chờ đợi.

Bà con kiều bào khám bệnh

Đoàn y bác sĩ có người mới đi lần đầu, có người đã nhiều lần tham gia khám bệnh từ thiện. Mỗi bàn khám bệnh đều có phiên dịch. Tuy vậy, vài y bác sĩ cũng ít nhiều biết tiếng Campuchia. Bác sĩ Nguyễn Thành Tuấn vốn có thời gian tham gia quân tình nguyện tại Campuchia, y sĩ Nguyễn Thị Thu Hà vốn ở Campuchia trước năm 1972… nên có thể trao đổi thoải mái với người bệnh. Chưa kể các bác sĩ chỉ nghe phiên dịch lần đầu các câu y lệnh như há miệng, thè lưỡi, đau ở đâu… là lần sau có thể tự hỏi bệnh nhân. Một không khí chân tình, san sẻ tình thương khiến người bệnh bớt đi tâm lý ngại ngùng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho biết, kinh phí chuyến đi từ nguồn vận động các đơn vị, doanh nghiệp và một phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, thuốc men và vật tư, trang thiết bị y tế do đoàn y bác sĩ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vận động từ các nhà tài trợ. 500 phần quà với tổng trị giá 500 triệu đồng (1 triệu đồng/phần quà) không lớn lắm, nhưng nó là niềm vui, là hạnh phúc của bao người, bởi bà con kiều bào đang sống nơi đây còn lắm khó khăn, họ rất mong một cái tết sum vầy, đầy đủ như ở quê nhà mà không thể nào có được.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt tại Campuchia, cho biết, hiện có hơn 100.000 kiều bào ta đang sống tại đây. Phần lớn cuộc sống của bà con chưa ổn định, gốc gác bà con đa phần ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An... Họ đến đây để làm ăn theo kiểu tạm cư nên con cái ít có điều kiện đi học. Trên 500 gia đình bà con sống quanh khu vực phường Nê Rôth trong những căn nhà lụp xụp tạm bợ hiện nay là những hộ sống ven bờ sông Tonle Sap bị giải tỏa, được chính quyền cấp đất tái định cư làm nhà ở tạm trú. Do không có đất đai, nghề nghiệp ổn định nên chủ yếu họ sống vào nghề mua bán lẻ nhỏ, kinh doanh, thợ hồ, thợ máy, thợ sơn...

Quan sát chung quanh khu vực trao quà tết, bà con kiều bào và người dân nghèo Campuchia trông không khác gì nhau. Nước da ai cũng đen sạm vì cháy nắng. Các em nhỏ quần áo lếch thếch, tóc đen cháy nắng, chân trần nhìn rất thương. Hàng trăm người ngồi trật tự, không chen lấn. Ai cũng ngồi yên chờ gọi tên mình lên nhận quà rồi lấy phiếu vào các phòng khám bệnh, nhận thuốc. Nụ cười lại rạng lên trên những khuôn mặt khắc khổ khi bác sĩ phán: “Chỉ thiếu dinh dưỡng thôi, chưa thấy mắc bệnh gì nghiêm trọng!”.

Ông Trần Văn Bịch (85 tuổi) ở Campuchia vài chục năm nay, già cả neo đơn, không con cháu, sống nhờ hoàn toàn vào tình thương của bà con Việt kiều chung quanh. Ông có đủ thứ bệnh mạn tính của người già. Lúc khám bệnh, huyết áp đo cao tới 200. Các bác sĩ phải cho ông thuốc ngậm ngay và dặn phải chờ thiệt khỏe mới được đi về. Lãnh quà tặng gồm sữa, bánh và 500.000 đồng tiền mặt, ông vui mừng, xúc động: sẽ để dành tiền xài tết.

Ông Nguyễn Văn Út (quê huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), hiện ở tại phường Chran Chmres (quận Russeykeo, Phnom Penh) xúc động nói: “Gia đình tôi hiện sống trên nhà bè ở khu vực biển Hồ cùng khoảng 300 - 400 gia đình người Việt. Tuy có nghề thợ máy nhưng cũng chỉ tạm sống đắp đổi qua ngày. Hiện tại, 2 con trai và con gái ông đã lớn, muốn có một chỗ an cư trên đất liền nhưng xem ra khó quá. Cuộc sống trên sông nước không có ngày mai. Giờ muốn về lại quê hương mà không có tiền, với lại đất đai, nhà cửa cũng không còn bên đó… nên đành phó mặc số mệnh!”.

Ông Nguyễn Văn Sĩ, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, cho biết, 25 tỉnh thành Campuchia đều có bà con Việt kiều sinh sống, tập trung đông nhất ở tỉnh Kaandal, các tỉnh xung quanh biển hồ; còn lại sống ở Kongpon Chàm và thủ đô Phnom Penh. Phần lớn bà con ở đây có cuộc sống rất khó khăn, nên ông mong muốn sẽ có nhiều tấm lòng đồng bào trong nước hướng đến bà con, giúp họ có được điều kiện ổn định cuộc sống và con cái họ được đến trường.

Ông Dũng, trong tổ phiên dịch phục vụ việc khám bệnh của các y bác sĩ, cũng chia sẻ: “70% Việt kiều ở khu vực ông là dân nghèo, thường có gốc là dân các tỉnh ĐBSCL qua đây sinh sống. Phụ nữ đi mua ve chai, buôn gánh bán bưng, đàn ông đi làm mướn hoặc làm thợ hồ. Cuộc sống tạm bợ nhiều mặt nên trẻ không có giấy khai sinh, người lớn không có hộ khẩu. Việc học hành cũng ít được chú ý nên đa phần trẻ lớn lên lại nghèo. Cái vòng đói nghèo lẩn quẩn”. Gia đình ông Dũng nhờ làm giấy tờ hợp pháp nên sống thoải mái. Bốn đứa con ông đều học hành tử tế, nghề nghiệp ổn định.

Ông có thông gia là người Campuchia. Ông nói: “Nếu chọn sống ở đây, thì phải hòa hợp với dân ở đây, xem đất nước này cũng là quê hương xứ sở mình mới sống được. Sống cứ tạm bợ, khổ lây lất đến đời con, đời cháu”.

Hàng ngàn cơ số thuốc các y bác sĩ mang theo và 500 phần quà vơi dần khi đến lượt những người cuối cùng vào đo huyết áp. Nhiều bà con nấn ná, không muốn về như muốn tâm sự điều gì với anh chị em trong đoàn. Trong đôi mắt họ ẩn chứa nỗi niềm gì đó chưa nói được. Nhưng, chúng tôi hiểu rõ nỗi lòng của những người xa xứ không đâu bằng tình cảm quê nhà. Tết này, lại phải xa quê!

KIỀU PHAN - QUỐC ANH

Tin cùng chuyên mục