Dư luận gần đây lại bức xúc trước tình trạng giá thuốc tăng. Nhưng sau mỗi đợt khảo sát thị trường dược phẩm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) kết luận rằng “giá thuốc được bình ổn, không tăng đột biến”. Trên thực tế, giá thuốc quả là không tăng đột biến nhưng tăng âm ỉ, liên tục cũng đủ gây khó khăn thêm người bệnh. Và thực tế đã diễn ra từ nhiều năm qua, không chỉ Bộ Y tế mà các bộ ngành khác cũng bàn thảo cách tháo gỡ nhưng rút cuộc… đâu lại vào đấy.
Khi đề cập đến các giải pháp, Cục Quản lý dược cho rằng đã áp dụng các giải pháp tổng thể trên nguyên tắc đảm bảo cung - cầu. Đó là xem xét việc kê khai, kê khai lại giá thuốc của tổ công tác liên ngành giữa Bộ Y tế - Bộ Tài chính đối với các đề nghị điều chỉnh giá thuốc của các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc cũng như sản xuất thuốc trong nước; thực hiện việc nhập khẩu song song đối với một số thuốc biệt dược có giá cao trên thị trường của các công ty đa quốc gia; đảm bảo nguồn cung về thuốc thông qua việc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, các thuốc hiếm cần thiết cho nhu cầu điều trị, đẩy nhanh thời gian cấp số đăng ký lưu hành thuốc…
Xem ra, các giải pháp trên chỉ hiệu quả ở một chừng mực nào đó nên dư luận đang chờ những giải pháp đủ mạnh để thực sự bình ổn được giá thuốc.
Hiện nay, việc quản lý giá thuốc được quy định ở 4 văn bản pháp luật: Pháp lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH năm 2002; Luật Dược số 34/2005/QH11 năm 2005; Nghị định 79/2006/NĐ-CP năm 2006 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược; Thông tư liên tịch số 11/2007/TTLT-BYT-BTC-BCT năm 2007. Và không ai khác ngoài Bộ Y tế, mà cụ thể là Cục Quản lý dược chịu trách nhiệm về giá thuốc. Tuy nhiên, qua những bức xúc của dư luận, nhiều ý kiến của các hãng dược cho rằng nên thả nổi thị trường giá thuốc nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng và nhiều khả năng giá thuốc được “hạ nhiệt”. Và họ cho rằng điều đó hoàn toàn phù hợp với Điều 2 của Pháp lệnh giá 2002 là Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật. Nhà nước sử dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Như vậy, vấn đề được các hãng dược đặt ra là Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào giá thuốc, ngoại trừ những biện pháp cần thiết! Trong khi đó, mục 1 Điều 5 của Luật Dược 2005 khẳng định: “Nhà nước quản lý về giá thuốc theo nguyên tắc các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; sử dụng các biện pháp bình ổn giá thuốc trên thị trường để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Và “Chính phủ quy định chi tiết về quản lý giá thuốc phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể theo các nguyên tắc: Thuốc trước khi lưu hành trên thị trường phải được cơ sở sản xuất, nhập khẩu kê khai giá và khi thay đổi giá thuốc phải được kê khai lại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam; cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá kê khai”…
Vậy, thả nổi hay kiểm soát giá thuốc đang là vấn đề đặt ra. Nếu thả nổi ắt hẳn không ngoại trừ những “liên minh ma quỷ” của các hãng dược sẽ càng đẩy giá thuốc tăng cao. Còn kiểm soát thì cơ quan nào đủ năng lực kiểm soát và kiểm soát bằng cách nào? Ở một số nước trên thế giới, giá thuốc được Chính phủ trực tiếp quản lý và điều hành, và cơ quan chuyên ngành về tài chính, cụ thể là Bộ Tài chính có trách nhiệm tham mưu. Còn ở nước ta, từ nhiều năm qua đã giao trọng trách đó cho Bộ Y tế, một cơ quan đáng lẽ phụ trách về chuyên môn thì phù hợp hơn quản lý giá! Chung quy lại, quản lý giá thuốc và bình ổn giá thuốc không thể không có “bàn tay” của Chính phủ.
Tường Lâm