Được dự báo không tác động lớn đến kinh tế xã hội Việt Nam như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 cũng đặt ra rất nhiều vấn đề về chính sách an sinh xã hội và thị trường lao động.
Theo nhận định của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng; thái độ và tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam là chưa cao. Chỉ xét về đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam, kể các thành phố lớn, rất ít lao động Việt Nam học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia... Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam cũng thấp hơn so với nhiều nước khác. Về khả năng sử dụng tiếng Anh, thí sinh Việt Nam có điểm trung bình 5,78 (theo thang điểm từ 0 - 9), thuộc nhóm trung bình thấp; đứng sau Malaysia (6,64), Philippines (6,53), Indonesia (5,97). Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm; xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91; Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan lần lượt đạt 5,76; 5,59 và 4,94...
Những hạn chế của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (năm 2011 Việt Nam xếp thứ 65/141 nền kinh tế được xếp hạng), nhưng đến năm 2014 đã tụt xuống vị trí thứ 70/148. Số lượng việc làm tạo thêm ở Việt Nam khá cao (ước tính năm 2025 có thể tạo ra thêm 6 triệu việc làm), nhưng chất lượng việc làm thấp. Đến nay, 47% lực lượng lao động Việt Nam vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất và thu nhập thấp. Khoảng 3/5 lao động Việt Nam đang làm các công việc ít tính bền vững. Thêm vào đó, một nguy cơ hiển hiện là việc lao động trình độ cao di chuyển ra ngoài, nhưng lại phải “nhập khẩu” chuyên gia (theo dòng FDI và do chất lượng lao động không đáp ứng yêu cầu).
Nhìn chung năng suất và tiền lương của lao động Việt Nam khá thấp so với các nền kinh tế ASEAN khác. Trong khi đó, mức độ đầu tư của công ty cho mục tiêu đào tạo nhân lực/nhân viên của Việt Nam lại thấp nhất, thậm chí thấp hơn cả Lào, Campuchia. Xét trên thang điểm 7, Singapore đứng đầu danh sách này, với 5,3 điểm, trong khi Việt Nam chỉ được 3,7 điểm. Ở tiêu chí này, Lào đạt 4,2 điểm và Campuchia đạt 4.
Trong bối cảnh đó, mỗi nền kinh tế cần có chiến lược riêng phù hợp về nguồn lao động nói riêng và an sinh xã hội nói chung. Việc giải quyết các vấn đề của thị trường lao động cần có thời gian, có sự phối hợp công - tư, trong đó nhà nước và nhân dân tập trung phát triển kinh tế, xã hội, gắn với việc làm. Một mặt, nhà nước cần hoàn thiện pháp luật về việc làm, dự báo chính xác thị trường ngắn và dài hạn, đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo cho người lao động; nhưng mặt khác, bản thân người lao động cần có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng ngôn ngữ để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
ANH THƯ