Báo cáo nêu trên được thực hiện dựa trên kết quả các cuộc điều tra DN hàng năm của VCCI trên các lĩnh vực thuế, hải quan và môi trường kinh doanh. Hơn 10.000 DN của các tỉnh, thành trên cả nước đã trả lời phiếu khảo sát. Theo báo cáo, việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận khi tỷ lệ DN phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm từ 58% xuống 48% và tỷ lệ DN gặp khó khăn khi xin giấy phép giảm từ 42% xuống 34%. Ở lĩnh vực đăng ký kinh doanh, tỷ lệ DN đăng ký qua mạng, qua bưu điện hoặc qua trung tâm hành chính công tăng từ 12,5% lên 17,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ DN đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt lại giảm, từ 60% xuống còn 36%.
Với lĩnh vực thuế, các thủ tục hành chính thuế có sự cải thiện, dễ thực hiện nhất là thủ tục nộp thuế, khó thực hiện nhất là thủ tục hoàn thuế và đề nghị miễn giảm thuế. Mặc dù vậy, hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% số DN cho rằng “cán bộ suy diễn bất lợi cho DN” và 30% số DN cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh tra, kiểm tra thuế.
Lĩnh vực giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan thì các DN phải đi lại để nộp hồ sơ rất nhiều lần (trung bình 3 lần cho mỗi thủ tục). Tỷ lệ DN phải xin xác nhận phòng cháy - chữa cháy lên đến 63% và có đến 30% số DN cho rằng họ gặp khó khăn khi làm thủ tục. Đặc biệt, tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn đối với các DN. Cản trở lớn nhất là điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp (86% số DN đồng ý); 39% số DN cho biết tình trạng bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến. Một nhận định rất đáng lưu ý khác là việc mức độ công khai, minh bạch thông tin về đất đai lại đang có chiều hướng xấu đi…
Nghị quyết 02 và Nghị quyết 35 được nhìn nhận là rất quan trọng, có thể coi là “công nghệ mới của cải cách”, đưa ra những mục tiêu rất cụ thể chứ không chỉ là khẩu hiệu chung chung. Nhờ đó mà chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 30 bậc trên bảng xếp hạng của Doing Business, từ vị trí thứ 99 vào cuối năm 2013 lên vị trí thứ 69 vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chỉ ở mức “thường thường bậc trung”. Nếu xét riêng ở ASEAN, Việt Nam chưa hoàn thành được mục tiêu lọt vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất, vẫn sau Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 15), Thái Lan (thứ 27) và Brunei (thứ 55). “Do đó, chừng nào vẫn hài lòng với chất lượng thể chế trung bình thì không thể nào thoát bẫy thu nhập trung bình được. Và nếu muốn vào tốp 4 ASEAN thì phải vượt 42 bậc nữa. Đó là hành trình gian nan. DN sốt ruột nhưng thể chế còn “đủng đỉnh”, phải chăng là vậy?”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đặt vấn đề.
Thực tế trên dẫn đến lo ngại về khả năng khó đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, bởi lẽ những cải thiện trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa đồng đều. Bên cạnh những, bộ ngành, địa phương làm tốt thì vẫn có bộ ngành, địa phương chưa tích cực, thậm chí còn thờ ơ, đối phó. TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, bày tỏ băn khoăn khi cho rằng, “DN tư nhân vừa không muốn lớn, vừa không thể lớn lên được”. Việc DN vẫn chưa muốn lớn một phần cho thấy những rủi ro pháp lý hiện hữu, đa dạng và khó lường; sự thiếu vắng cơ chế, định chế giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại, cũng như tranh chấp giữa DN, nhà đầu tư với cơ quan nhà nước, chưa bảo vệ được tài sản và lợi ích của nhà đầu tư...
Gần 20 năm qua, chúng ta đã có 2 đợt cắt giảm mạnh mẽ các quy định về điều kiện kinh doanh. Đợt thứ nhất giai đoạn 2000-2003 và đợt thứ hai là 2016-2020. Sau mỗi đợt cắt giảm, môi trường kinh doanh có được cải thiện theo hướng quyền tự do kinh doanh được mở rộng hơn, bình đẳng hơn, cơ hội kinh doanh nhiều hơn, giảm được phần nào tình trạng sách nhiễu… Tuy nhiên, thực tế trên cho thấy vẫn còn rất nhiều việc phải làm. “Lửa” cải cách cần tiếp tục được nuôi dưỡng, thậm chí cần thổi bùng mạnh mẽ lên hơn nữa.