Thách thức nông nghiệp

Những năm gần đây, có thể coi nông nghiệp Việt Nam là một trong những trụ cột góp phần giúp đất nước ổn định và từng bước thoát khỏi khủng hoảng. Hiện nay, nông nghiệp chiếm đến 20% tổng thu nhập quốc dân (GDP).

Nhưng có điều đáng lo: tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp hiện đang trên đà chậm lại. Tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 1996 - 2000 là 4,4%, giai đoạn 2001 - 2005 là 3,8% nhưng giai đoạn 2006 - 2010 chỉ còn 3,5%. Nguyên nhân nông nghiệp tăng trưởng chậm là do vốn đầu tư cho nông nghiệp giảm dần đều từ năm 2000. Trong đó, vốn đầu tư của Nhà nước (chiếm 40% vốn đầu tư cho nông nghiệp) giảm rất mạnh (khu vực 1 từ hơn 13,3% xuống còn khoảng 6,3%, nông - lâm - ngư nghiệp xuống còn 5,9%. Thu hút đầu tư nước ngoài FDI khu vực 1 chỉ chiếm 6% về giấy phép, 2,5% vốn đăng ký của cả nước. Số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông- lâm- thủy sản chỉ chiếm 4,2% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Một vấn đề không thể không quan tâm: Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp những năm gần đây không ngừng tăng nhưng thu ròng về ngoại tệ lại giảm đáng kể. Chỉ tính riêng trong xuất khẩu gạo, có đến 40% - 50% chi phí đầu vào của gạo xuất khẩu phải nhập bao gồm xăng chạy máy và vận chuyển, phân bón, thuốc trừ sâu, thiết bị máy nông nghiệp và chế biến gạo. Tình hình trên khiến cho giá trị xuất khẩu hàng năm dù vượt quá 3 tỷ USD, chi phí nhập khẩu cũng ngấp nghé 3 tỷ USD. Kết quả là thặng dư giá trị của xuất khẩu lúa gạo mỗi năm thường chỉ đạt 0,7 tỷ USD (chưa tính đến khoản đầu tư của Nhà nước cho thủy lợi và cơ sở hạ tầng).

Ở góc độ vi mô, tình hình cũng không khả quan hơn. Sự biến động liên tục của giá lúa khiến thu nhập người nông dân hết sức bấp bênh. Có lúc giá lúa tươi chỉ khoảng 4.000 - 4.200 đồng/kg. Lúa khô khoảng 5.000 - 5.200 đồng/kg. Tính đổ đồng mức giá trong năm đạt khoảng 5.500 đồng/kg. Và theo phân tích của WB, người nông dân chỉ đạt lợi nhuận bình quân khoảng 504 đồng/kg, nghĩa là khoảng 10% giá bán. Đây là con số, nếu chính xác, thấp xa so với chủ trương của Nhà nước là nông dân phải đạt mức lợi nhuận tối thiểu 30%.

Việc tạo ra lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng để xuất khẩu là một thành tựu rất quan trọng. Tuy nhiên, để giải quyết nghịch lý về giá trị thặng dư, WB khuyến cáo, phải giảm sự phụ thuộc đối với đầu vào nhập khẩu của nông nghiệp. Với hạt gạo, phải đầu tư hiện đại hóa chuỗi giá trị của lúa gạo. Đầu tư tiến bộ kỹ thuật từ khâu sản xuất, chất lượng sản phẩm và công nghệ sau thu hoạch như kho dự trữ, phơi sấy, xay xát. Chuyển đổi triệt để từ trồng lúa chất lượng thấp sang trồng lúa chất lượng cao. Điều chỉnh cơ cấu sản xuất và chiến lược mới cho phù hợp với thị trường.

Nông nghiệp là ngành kết nối cao với các ngành công nghiệp khác; cung cấp đầu vào cho rất nhiều ngành công nghiệp. Nông nghiệp cũng đứng mũi chịu sào trong việc ổn định kinh tế xã hội. “Phi nông bất ổn” là thế. Đáng tiếc, nông nghiệp đang bị đối xử không công bằng. 50% lực lượng lao động và 70% dân số sống ở nông thôn đang có thu nhập rất thấp so với bộ phận dân số còn lại. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang bị hiểu một cách máy móc, sai lệch khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp biến thành khu công nghiệp, khu đô thị một cách thiếu khoa học. Hậu quả là nông dân mất đất sản xuất, giá lương thực, thực phẩm không ngừng tăng. Tình hình này, cùng với biến đổi khí hậu đang diễn ra, thách thức về nông nghiệp sẽ trở lên hết sức gay gắt trong tương lai.

Nông nghiệp không chỉ là ngành đóng góp cho ổn định kinh tế mà còn là nơi hình thành những cụm ngành để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm giàu cho đất nước. Để làm được điều đó, vấn đề tiên quyết là tăng đầu tư công thích đáng vào lĩnh vực này. Quan tâm đúng mức đến thể chế cho phát triển cho nông nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân để đưa nền nông nghiệp tiến lên những phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn. Ứng dụng tiến bộ công nghệ và quản trị tiên tiến vào nông nghiệp. Nhưng trước hết phải sớm đưa Nghị quyết 26 Trung ương khóa X vào cuộc sống để có những chính sách và hành động phù hợp.

Dương Trọng Dật

Tin cùng chuyên mục