Thách thức phía trước

Ngày 1-3, Quốc hội Myanmar đã ấn định ngày 10-3 là ngày bỏ phiếu bầu tân tổng thống, sớm hơn một tuần so với dự kiến trước đó là ngày 17-3. Quyết định này được đưa ra sau khi cuộc đàm phán chính trị giữa lãnh tụ đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD) bà Aung San Suu Kyi và phe quân đội không đem lại kết quả. Trong cuộc đàm phán này, bà Suu Kyi muốn quân đội đồng ý sửa đổi Hiến pháp để bà có thể trở thành tổng thống.

Theo luật pháp của Myanmar, ba nhóm đại diện trong quốc hội (gồm Hạ viện, Thượng viện và nhóm đại diện cho quân đội) sẽ giới thiệu ứng cử viên riêng tranh chức tổng thống. Người nào trong 3 ứng viên đại diện nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất sẽ trở thành tổng thống, trong khi 2 ứng cử viên còn lại sẽ giữ chức phó tổng thống. Sau cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống, Myanmar sẽ thành lập chính phủ mới và chuyển giao quyền lực cho tân tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 31-3 khi chính phủ đương nhiệm kết thúc nhiệm kỳ.

Nikkei Asian Review nhận định, bà Aung San Suu Kyi đang đối mặt với những thách thức lớn khi bà tìm cách đoàn kết dân tộc Myanmar và hoàn thành nốt những gì cha bà đã làm nhưng còn dang dở. Trong một cử chỉ thể hiện cam kết của bà nhằm thống nhất đất nước và lòng người, Aung San Suu Kyi đã chọn một số thành viên của các cộng đồng dân tộc thiểu số vào các vị trí quan trọng trong chính phủ mới.

Phiên họp quốc hội đầu tiên đa màu sắc là một bức tranh rõ ràng phản ánh sự đa dạng của Myanmar cũng như ý định của bà Aung San Suu Kyi. Giữa lực lượng nghị sĩ mặc đồng phục màu cam của NLD là các nghị sĩ mặc nhiên của quân đội trong quân phục màu xanh lá cây, xen kẽ các nghị sĩ khác trong trang phục dân tộc thiểu số. Myanmar có hơn 130 dân tộc khác nhau với lịch sử riêng, văn hóa riêng và ngôn ngữ của riêng mình. Các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% - 40% dân số cả nước. Sự đa dạng của các thành phần trong Quốc hội Myanmar phản ánh ý định rõ ràng của NLD sẽ thực hiện tốt những cam kết đảm bảo quyền lợi cho các dân tộc thiểu số, quyền tự quyết và phân phối công bằng các nguồn tài nguyên.

Bà Aung San Suu Kyi khẳng định: “Độc lập của Myanmar chỉ đạt được khi các dân tộc hòa hợp” và tham gia vào những cuộc đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang từ ngày 12-1 vừa qua. Tuy nhiên hợp nhất được toàn bộ các phe nhóm vũ trang, các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Myanmar không phải là câu chuyện dễ dàng. Quân đội Myanmar khó chấp nhận sự tồn tại của một tổ chức vũ trang nào khác có quy mô lớn, đối trọng với họ. Vì vậy mọi nỗ lực của NLD tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, hòa giải dân tộc với các phe nhóm vũ trang đều có thể bị phủ quyết bởi 25% số ghế quốc hội từ quân đội.

Năm 1947, chính phủ lâm thời Myanmar do người Bamar lãnh đạo đã tổ chức cuộc họp với các cộng đồng dân tộc thiểu số. Các bên thống nhất tạo ra một chính phủ liên bang dựa trên quyền bình đẳng giữa các dân tộc thiểu số với Hiệp định Panglong. Cha bà Aung San Suu Kyi, tướng Aung San là người đứng đầu chính phủ lâm thời và cũng là người góp công lớn trong việc ra đời Hiệp định Panglong. Tuy nhiên, ông bị ám sát ngay sau đó khiến kế hoạch đoàn kết các dân tộc Myanmar bị bỏ dở. Hơn 70 năm sau, bà Aung San Suu Kyi tuyên bố sẽ hoàn thành ý nguyện còn dang dở của người cha quá cố bằng cách thực hiện Hiệp định Panglong, nhưng con đường đổi mới này mới chỉ bắt đầu, còn nhiều khó khăn và chông gai chờ đợi phía trước.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục