Thái Lan: Căng thẳng... vì biểu tình

Hai phe đều biểu tình
Thái Lan: Căng thẳng... vì biểu tình

Trong 2 ngày liên tiếp 15 và 16-8, hai phe ủng hộ và phản đối bản dự thảo Hiến pháp tổ chức biểu tình  rầm rộ tại nhiều nơi ở Thái Lan. Tin tức về số phận của cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra cũng nóng lên theo các cuộc biểu tình.
 
Hai phe đều biểu tình

Khoảng 30.000 người tập hợp tại sân vận động Chiang Mai ủng hộ bản dự thảo hiến pháp

Khoảng 30.000 người tập hợp tại sân vận động Chiang Mai ủng hộ bản dự thảo hiến pháp

Cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới do chính quyền quân sự soạn thảo, dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 19-8. Chính quyền quân sự của Thủ tướng đương nhiệm Surayud Chulanont hôm qua đã tập hợp từ 30.000 đến  50.000 người tham gia ủng hộ dự thảo Hiến pháp. Dưới tiêu đề “Quyền lực cho nền dân chủ”, cuộc tập hợp được tổ chức  tại tỉnh Chiang Mai nhân kỷ niệm 700 ngày khánh thành sân vận động tỉnh.

Trong khi đó, phe ủng hộ cựu thủ tướng bị lật đổ hồi tháng 9-2006 Thaksin cũng tập hợp lực lượng, tổ chức các cuộc biểu tình phản đối bản dự thảo hiến pháp vào sáng nay. Đảng “Người Thái yêu người Thái” (TRT) ủng hộ ông Thaksin tổ chức cuộc biểu dương lực lượng tại Sanam Luang ở thủ đô Bangkok, thu hút hàng chục ngàn người mặc áo đỏ in dòng chữ “Chúng ta bỏ phiếu không cho dự thảo Hiến pháp mới”. Họ vẫy cờ của TRT, giơ cao biểu ngữ và hô khẩu hiệu “Nói không với Hiến pháp mới”. Tất cả các thành viên chủ chốt của TRT đều có mặt và lần lượt phát biểu, kêu gọi dân chúng bác bỏ dự thảo Hiến pháp mới.

Ngày  15-8, Liên minh dân chủ chống độc tài tổ chức một cuộc biểu tình thu hút hàng trăm người trước cửa trụ sở Quốc hội. Những người tham gia cuộc biểu tình cũng mặc áo đỏ in dòng chữ “Bỏ phiếu không với Hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 19-8”.

Một thành viên của đảng TRT, Chaturon Chaisaeng cho rằng nếu bản dự thảo Hiến pháp mới được thông qua sẽ càng dẫn đến nhiều cuộc đảo chính và chính trường Thái Lan sẽ tiếp tục lún sâu vào các cuộc khủng hoảng. Những người phản đối cho rằng, bản dự thảo này là vi hiến, do những người làm đảo chính soạn thảo để nắm quyền lực thông qua các tổ chức độc lập. Cựu chủ tịch Thượng viện Uthai Pimchaichon cũng đồng ý với quan điểm này.

Thaksin sẽ không tự trình diện?

Sáng nay, Thái Lan cho biết thủ tướng bị lật đổ Thaksin và vợ có thể phải nhận thêm một lệnh truy nã mới, nếu không có mặt tại tòa án vào ngày 17-8 theo triệu tập của tòa để giải trình về những cáo buộc che giấu tài sản do Cục điều tra đặc biệt (DSI) tiến hành. Nhiều khả năng hai vợ chồng ông Thaksin sẽ không tự trình diện với các nhà điều tra vào thời hạn chót nói trên và như vậy, DSI sẽ đề nghị tòa án phát lệnh truy nã mới sau lệnh truy nã mà Tòa án tối cao Thái Lan đưa ra hôm 14-8, trong vụ án liên quan tới việc mua bán đất đai trên đường Ratchadapisek.

Các nhà điều tra của DSI đã phát hiện gia đình ông Thaksin có tới 60,82% cổ phần tại Công ty SC Assets. Ngoài ra, họ có thể có cổ phần trong hai Quỹ phát triển ngoài nước và Quỹ phát triển ngoài khơi (cũng thuộc công ty này). Tổng cộng, gia đình ông Thaksin có thể nắm tới 79,87% cổ phần của SC Assets và như vậy, họ đã nắm hoàn toàn quyền điều hành công ty này. Nếu đúng theo kết quả điều tra, ông Thaksin và vợ đã vi phạm quy định khai báo thông tin và đây cũng là hành động che giấu tài sản. Họ có thể bị phạt tù tới 5 năm và phải nộp khoản tiền phạt gấp hai lần giá trị số cổ phần mà họ nắm giữ nếu bị kết tội.

Đức Anh (theo Bangkok Post, AFP)

Tin cùng chuyên mục