Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lệ, Khối trưởng khối 4, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình
“45 năm tuổi đời, 23 năm tuổi nghề nhưng tâm hồn vẫn còn son lắm”. Đó là lời bạn bè, đồng nghiệp nhận xét về cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lệ, Khối trưởng khối 4, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TPHCM. Hình ảnh một giáo viên nhỏ nhắn, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi, vô tư cười giỡn, nô đùa cùng học trò đã in sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ học sinh.
Khó khăn của những ngày đầu
“Nghề giáo đến với tôi rất tình cờ”, cô giáo Hồng Lệ mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng cái duyên đầu tiên đã đưa cô đến với nghiệp cầm phấn. Định hướng ban đầu của cô là theo ngành kinh tế, nhưng một người bạn thân lại rủ đăng ký thi vào sư phạm. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm khoa Toán, cô chọn bậc THCS làm mảnh đất dừng chân. Nhưng số phận đưa đẩy, ra trường không có nhiệm sở, cuối cùng cô Lệ được điều chuyển về dạy ở bậc tiểu học. Những ngày đầu làm quen với công việc mới, hàng loạt khó khăn bày ra trước mắt như thách thức bản lĩnh của người giáo viên trẻ.
Cô giáo Hồng Lệ nhớ lại: “Mấy ngày đầu, mình viết chữ trên bảng, học trò đọc không ra. Rồi với giọng đọc của người miền Nam, mình không tài nào hướng dẫn các em phát âm đúng chuẩn theo quy định của chương trình”. Không nản chí, cô giáo trẻ quyết tâm về nhà tự rèn chữ, học lại từ đầu những cách viết chữ thường, chữ in hoa. Giọng đọc không đúng chuẩn, buổi sáng dạy chữ trên lớp, chiều về nhà ôm sách tự tập đọc, nhờ thêm sự giúp đỡ của các đồng nghiệp miền Bắc. Buổi tối học thêm cách phát âm từ các phát thanh viên trên truyền hình. Nhờ có sự kiên trì, chỉ sau 1 năm đứng lớp, cô có thể phát âm tốt cả giọng miền Bắc và miền Nam, chữ viết thuộc vào loại đẹp nhất nhì trường. Liên tục nhiều năm liền, tập thể lớp và cá nhân học sinh ở lớp cô phụ trách đoạt giải cao trong các hội thi “Vở sạch chữ đẹp” cấp trường, cấp quận và cấp TP.
Để hoàn thành tốt công tác giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Hồng Lệ còn mày mò tự học vẽ, học hát và múa. Đối với học trò, cô giáo Hồng Lệ gần gũi như một người bạn, người chị, sẵn sàng hòa vào trò chơi của các em. Giờ ra chơi, có học sinh chơi bán đồ hàng, mời cô ăn, cô cũng giả vờ xì xụp ăn, rồi khen ngon và trả công bằng một cục kẹo cho các em. Hôm khác, có em chơi trò cút bắt, cô cũng hồn nhiên bịt mắt nô đùa cùng học sinh. Nhờ có sự gần gũi đó nên ở nhà có chuyện vui, buồn gì, các em cũng mang vào lớp kể cho cô giáo nghe. “Hạnh phúc riêng chưa có nên tôi xem học trò như gia đình nhỏ của mình. Nhờ đó, tâm hồn mình lúc nào cũng tươi trẻ và nắm bắt tâm lý học sinh rất nhanh”, cô giáo Hồng Lệ cho biết.
Trưởng thành hơn nhờ học trò
Nói về kỷ niệm nhớ mãi trong suốt hơn 20 năm đi dạy, thoáng chút ngập ngừng rồi với giọng trầm buồn, cô giáo Hồng Lệ kể: “Hồi ấy tôi mới ra trường, năm thứ hai đi dạy nên còn khá cầu toàn, lúc nào cũng muốn học sinh phải đạt những mục tiêu mình mong muốn”. Có một cậu học trò trong lớp tiếp thu hơi chậm, nhiều hôm dạy đi dạy lại hoài một bài toán mà cậu vẫn không làm được. Nóng vội, giờ ra chơi, cô yêu cầu cậu học sinh đó ở lại lớp, lên bảng đứng làm bài tập. Trong khi em học sinh đó làm bài thì cô mở giỏ, lấy ổ bánh mì vừa mua ban sáng chưa kịp ăn. Thỉnh thoảng vừa ăn bánh mì, cô vừa lấy thước khẽ nhẹ vào tay em học sinh đó vì không tập trung làm bài. “Tôi nhớ mãi giây phút đó, khi tôi vừa ăn xong bánh mì, đang gói giấy lại chuẩn bị đem đi bỏ thì cậu học sinh ấy đưa 2 tay bé xíu xòe ra trước mặt tôi. Giương đôi mắt tròn xoe vẫn còn đọng nước mắt, cậu nhìn tôi và nói: “Cô để con bỏ rác cho”. Khoảnh khắc đó tim tôi như có cái gì đè nặng”, cô giáo Hồng Lệ xúc động nhớ lại hình ảnh đôi bàn tay bụ bẫm đó. Trong khi cô giáo đang rất giận dữ, luôn miệng la rầy em làm bài không được nhưng cậu học trò đó chẳng những không hề trách cô mà còn xin lấy rác của cô đem đi bỏ.
“Từ đó về sau, tôi không bắt một học sinh nào ở lại làm bài tập vào giờ ra chơi nữa. Sức học của các em đến đâu, tôi sẽ bằng lòng đến đó, không ép buộc các em làm hơn khả năng của mình. Ngoài ra, một khi đã bước chân vào cửa lớp, bản thân giáo viên phải gác lại hết mọi buồn phiền, đem yêu thương đối xử với học trò thì sẽ được các em yêu thương lại”, cô Hồng Lệ bày tỏ.
Một trường hợp khác, trong lớp cô chủ nhiệm có một học sinh hay lấy cắp vặt đồ dùng học tập của bạn. Sau nhiều lần bị cô nhắc nhở, em học sinh đó đã viết bản kiểm điểm, hứa không lấy cắp nữa. “Lần đó lớp mất một cây bút, ngay lập tức ánh mắt của tôi hướng về phía em học sinh đó. Thấy tôi nhìn, em chỉ lắc đầu, lí nhí nói mình không lấy nhưng nhất thời lúc đó tôi đã không tin em. Mãi đến 2 ngày sau mới phát hiện cây bút bị mất do một bạn khác trong lớp lấy, tôi thật sự ân hận vì không tin tưởng học trò”, cô giáo Hồng Lệ nhớ lại.
Sau hơn 20 năm đứng lớp, cô tự nhận chính học trò đã giúp mình trưởng thành hơn. Một cục kẹo, bịch bánh các em chia sẻ trong giờ ra chơi cũng là những món quà vô giá. “Được sống, làm việc và yêu thương học sinh mới là hạnh phúc. Ngày nào còn đứng lớp, tôi vẫn cháy hết mình với học sinh”, đó là lời chia sẻ với chúng tôi trước khi cô hòa vào dòng học sinh mất hút giữa sân trường đầy nắng, gió và những tiếng cười đùa.
THU TÂM
>> Cô giáo Nguyễn Ngọc Mai, Trường Mầm non Rạng Đông 7, quận 6, TPHCM: Yêu trẻ thơ, yêu nghề giáo