Thiếu điện không những làm đảo lộn đời sống sinh hoạt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của cả nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tàu kinh tế của cả nước. Tại kỳ họp Quốc hội khóa 12 vừa kết thúc, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành phải đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt trong năm 2011. Tuy nhiên, từ thực tế của các nguồn cung cấp điện ở phía Nam hiện nay, “thảm họa” thiếu điện khó tránh khỏi.
Cứ ngỡ dải đất miền Trung ngụp lặn trong lũ lụt dồn dập vào tháng 10 và 11 vừa qua thì các hồ thủy điện khu vực miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên sẽ đầy nước, thế nhưng thực tế “vắt” không ra giọt nước. Đáng lưu ý, những khu vực này lại tập trung chủ yếu các hồ thủy điện có quy mô công suất điện rất lớn.
Trơ đáy... giữa mùa mưa
Thủy điện Trị An nằm cuối nguồn sông Đồng Nai, gồm 4 tổ máy với công suất 360MW, sản lượng đạt gần 2 tỷ kWh/năm, từng là niềm tự hào một thời vì nguồn cung cấp điện lớn nhất cho khu vực phía Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Không chỉ ổn định trong sinh hoạt cho thành phố đông dân, đặc biệt còn đưa nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Dường như giá trị đó đã lùi vào quá vãng. Còn giờ đây…
Cầu La Ngà (Định Quán, Đồng Nai) như hàn thử biểu của thủy điện Trị An, thấy mặt sông mênh mông nước, bè cá nổi dập dềnh, chắc chắn thủy điện no nước, hoặc ngược lại. Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, dù có những cơn mưa rải rác vào chiều tối, song mặt sông La Ngà gần như bất động. Những người dân sống trong dãy nhà nổi dọc hai bên mép sông trước đây nhìn sang không thấy mặt nhau, giờ có thể đối khẩu thoải mái.
“Chưa năm nào nước sông thấp như thế. Lòng sông bị thu hẹp vì cột nước nước xuống gần chục mét. Ông Nguyễn Văn Bính, một nông dân sống bằng nghề sông nước trên sông La Ngà nhận xét.
Bên trong lòng hồ thủy điện Trị An, những khối bê tông khổng lồ được xây dựng bao quanh bờ hồ để chặn nước ở khu vực hạ lưu thay vì chìm ngập trong nước, nay lại trồi lên nằm trơ phơi nắng. Váng nước vàng choét bám lại trên các khối bê tông sau khi nước rút kéo dài cả chục mét. Đập chắn nước của Nhà máy Thủy điện Trị An vì thế cũng lộ ra cao chót vót. Hai giàn trục đóng mở nước phục vụ 4 tổ máy phát điện khổng lồ, nằm im lìm. Mưa ít, lưu lượng nước đầu nguồn về giảm liên tục đã khiến thủy điện Trị An không thể tích đủ nước để chạy máy cho mùa tới.
Theo Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Trị An Võ Tấn Nhẫn, tính đến thời điểm hiện nay lưu lượng nước về sụt thê thảm, chỉ ở mức 400/880m³/s, giảm hơn 50% so với các năm. Mực nước trong lòng hồ thủy điện Trị An đang ở mức báo động 54,5m, cách mực nước chết chưa tới 5m!
Cách TPHCM chừng 200km, nằm vắt ngang giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, trên lưu vực sông La Ngà thuộc hệ thống sông Đồng Nai, thủy điện Hàm Thuận gồm 2 tổ máy với công suất 300MW, từ đầu mùa hè đến nay nằm trơ đáy dẫu mùa mưa sắp kết thúc. Cả lòng hồ thủy điện cỏ mọc xanh um, lác đác sót lại vài vũng nước nhỏ, đỏ ngầu.
Toàn nhà máy im lìm, nước ngừng chảy. Tận dụng mực nước hồ xuống thấp, một số người dân dựng bè bắt cá, trồng hoa màu trên những ụ đất giữa lòng hồ đã trồi lên lâu ngày.
Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi Lê Văn Quang rầu rĩ nói: “Tính đến thời điểm này có thể khẳng định, việc tích nước tại thủy điện Hàm Thuận đã hết hy vọng”. Theo quy luật, hàng năm thời điểm thích hợp để tích nước khi có mưa nhiều thường bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 10, lúc đó nước đã về đầy hồ.
Nhưng đến nay, khu vực này gần như không có mưa, trong khi lưu lượng nước đầu nguồn chảy về lòng hồ chỉ ở mức 70/150m³/s, chưa tới 50% lưu lượng bình quân hàng năm. Do đó, mực nước cao trình tại hồ Hàm Thuận chỉ ở mức 584m, thiếu hơn 21m mới tích đủ mực nước theo kế hoạch cho lòng hồ chạy máy năm tới.
Bi đát hơn, cách Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận 10 km về phía hạ lưu sông La Ngà, 2 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Đa Mi với công suất gần 200MW cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian chạy máy của thủy điện Hàm Thuận. Nghĩa là thời gian thủy điện Hàm Thuận ngừng chạy máy để tích nước bao lâu thì Đa Mi cũng “trùm mền” bấy lâu!
Cùng nằm trong hệ thống điện miền Nam, ngược lên phía thượng nguồn nhánh sông Đồng Nai, Sông Bé, các Nhà máy thủy điện Thác Mơ, Sông Pha, Suối Vàng… với công suất hơn 150MW cũng đang “hấp hối” vì lưu lượng nước về hồ hụt khá lớn so với các năm, từ đó kéo theo sản lượng chắc chắn sẽ giảm vào năm tới.
Gồng gánh
Theo ông Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi, nước về hồ giảm mạnh nên từ đầu năm 2010 đến nay, cả hai tổ máy của thủy điện Hàm Thuận chỉ chạy cầm chừng. Khi mực nước trong hồ được tích cao vượt qua mực nước chết, công ty mới vận hành và chỉ chạy duy nhất 1 tổ máy, thời gian giao động từ 2 đến 4 giờ vào những giờ cao điểm.
Riêng chủ nhật, thứ bảy và thời gian còn lại của những ngày thường các tổ máy phải ngừng hoạt động để chờ tích nước.
Hiện nay, với lượng nước hiện có trong hồ, nếu chạy hết công suất của 2 tổ máy thì đúng một ngày là hết sạch nước. Kéo theo việc cấp điện của thủy điện Đa Mi cũng tương tự. Đối với thủy điện Trị An, mực nước hiện có trong hồ chỉ để dành cho 1 tổ máy vận hành vào giờ cao điểm.
Niềm hy vọng còn lại thuộc về thủy điện Đa Nhim có công suất 160MW và thủy điện Đại Ninh với công suất 300MW, đã tích đủ nước để chạy máy. “Tuy nhiên, nếu chúng tôi chạy hết công suất, thì từ nay đến cuối năm hết 50% lượng nước tại các hồ, lúc đó buộc phải dừng máy để dành nước cho mùa khô”, Giám đốc Công ty Thủy điện Đại Ninh Võ Tăng Lý nói.
Thủy điện Đa Nhim với công suất 160MW, sản lượng bình quân hàng năm đạt 500 triệu kWh, hiện vẫn xả lũ và có thể tích đủ nước cho mùa khô năm sau. Tuy nhiên, nếu cộng sản lượng của hai nhà máy thủy điện này lại, tính “hết ga” cũng chỉ đạt 900 triệu kWh, hụt mất 600 triệu kWh so với sản lượng trung bình hàng năm.
Lý do, thủy điện đã tích đủ nước cho mùa khô, nhưng do lưu lượng nước thượng nguồn về hồ giảm mạnh nên không thể đạt sản lượng đề ra. Như vậy, nguồn điện từ hai thủy điện đã tích đủ nước cũng như sự hoạt động “cầm hơi” của các thủy điện thiếu nước liệu sẽ gồng gánh như thế nào cho mùa khô năm sau?
Bài 2: Nhiệt điện: Phập phù!
Lạc Phong - Lương Thiện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 12-2010, tình hình cung cấp điện vẫn tiếp tục khó khăn do một số các nhà máy nhiệt điện than mới vận hành chưa tin cậy, một số tổ máy nhiệt điện khác phải ngừng sửa chữa do quá thời hạn và bị sự cố. Để phấn đấu đảm bảo cấp điện ổn định cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của xã hội, EVN yêu cầu các nhà máy thủy điện khai thác theo lưu lượng nước về để đảm bảo tích nước ở mức cao nhất có thể. Theo đánh giá của EVN, trong tháng 11 vừa qua, tuy một số hồ ở miền Trung và Tây Nguyên như Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Buôn Kuốp, Đại Ninh, Đa Nhim có lượng nước về vượt giá trị trung bình nhiều năm và có xả nước, nhưng nước về các hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm. Cụ thể, mực nước các hồ thủy điện lớn là Hòa Bình, Tuyên Quang, Trị An và Ialy thấp hơn từ 10-16 m so cùng kỳ năm 2009. Do vậy, sản lượng thủy điện chỉ đạt 2,157 tỷ kWh, giảm 2,4% so với cùng kỳ. L.D. |